A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Găm hàng xăng dầu để trục lợi: Có chịu trách nhiệm hình sự?

Trường hợp hành vi "găm hàng" của cây xăng có đầy đủ các yếu tố cấu thành Tội Đầu cơ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá

Thời gian gần đây, một số địa phương phía Nam (Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk…) có hiện tượng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động hoặc bán ra nhỏ giọt, tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa, bán với giá cao hơn, gây khó khăn và lo lắng cho người dân.

Tình trạng trên xuất hiện từ trước tết Nguyên đán đến nay do nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động. Nguyên nhân khác do trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, kỳ điều chỉnh giá tiếp theo là ngày 1/2 (tức mùng 1 Tết) nhưng phải chờ đến thời gian điều chỉnh giá mới là 11/2. Do đó, hiện vẫn đang áp dụng giá cũ trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng rất cao dẫn đến giá nhập cao hơn giá bán khiến các đại lý bán lẻ thua lỗ trầm trọng.

Một số cây xăng đóng cửa. (Ảnh: TTXVN).

Một số cây xăng đóng cửa. (Ảnh: TTXVN).

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Công Thương với một số địa phương và doanh nghiệp đầu mối về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước chiều 9/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có hiện tượng lợi dụng tình hình để găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.

"Những ngày qua, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an. Hiện tượng này đang chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế", ông Diên nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng ngành dọc chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, đột xuất để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; thậm chí áp dụng biện pháp rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

"Với những cửa hàng xăng dầu găm hàng, chờ tăng giá, lập tức xử phạt về vật chất và thu hồi giấy phép hoạt động của cửa hàng xăng dầu đó. Ai găm hàng, phải tịch thu giấy phép khẩn trương; Nếu không tịch thu trực tiếp, phải lập tức tạm đình chỉ, để sau đó, chuyển điều tra, xử lý nghiêm", ông Diên chỉ đạo và nhấn mạnh, trong lúc nguồn cung xăng dầu căng thẳng, mà có hiện tượng trục lợi, ăn trên đồng bào mình là không thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có tình trạng cửa hàng xăng dầu găm hàng nhằm trục lợi, song đây chỉ là đại lý thuộc các doanh nghiệp nhỏ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ. Hiện nay, dự trữ trong nước đủ lớn, đồng thời, Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất.

"Chính phủ đã giao Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Do đó, Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý của mình. Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, Bộ cần thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Mạnh tay xử lý hành vi găm xăng dầu chờ tăng giá

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, nếu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cố tình găm hàng chờ tăng giá trục lợi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Tùng dẫn điều 30 Nghị định 67/NĐ-CP về xử phạt lĩnh vực xăng dầu cho biết, với hành vi không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng…

Trường hợp hành vi "găm hàng" của cây xăng có đầy đủ các yếu tố cấu thành Tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, khoản 1 Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội trong trường hợp hàng hoá trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1.5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.

Cần làm rõ ở đâu có hiện tượng găm hàng, đâu thiếu hàng thực sự

Ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, phân tích trên bình diện chung, nguồn cung xăng dầu trong nước đúng là có bị ảnh hưởng khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất nhưng tổng lượng xăng dầu nhìn chung vẫn đảm bảo cân đối được.

"Vấn đề là các cửa hàng xăng dầu của ta thuộc nhiều thành phần kinh tế và ký hợp đồng mua bán xăng với nhiều đầu mối xăng dầu lớn nhỏ khác nhau. Với các đầu mối lớn, việc tiếp cận các nguồn xăng dầu để bù đắp thiếu hụt khi Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất hay tìm nguồn nhập khẩu sẽ dễ dàng hơn. Thế nhưng với một số đầu mối nhỏ thì việc tìm nguồn cung xăng dầu, nhất là với các nguồn xăng dầu nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt sẽ khó khăn hơn. Như vậy cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc quyết liệt kiểm tra xem ở đâu có hiện tượng găm hàng, ở đâu không có hàng thực sự để có giải pháp phù hợp", ông Bảo nói.

 

Tác giả: Hải Ninh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan