A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sữa giả vào bệnh viện, không thể dừng lại ở việc hoàn tiền

Nếu sản phẩm sữa có mặt trong các bệnh viện được xác định là giả thì trách nhiệm của các bên liên quan không thể dừng lại ở việc thu hồi, hoàn tiền.

Sữa giả vào bệnh viện, không thể dừng lại ở việc hoàn tiền

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn phát thông báo tạm dừng tư vấn sữa Hapomil - một trong những loại sữa của công ty sản xuất sữa giả đang bị công an điều tra. Ảnh: BVĐK Bắc Kạn

Thông tin nhiều bệnh viện khác trên cả nước tạm dừng tư vấn, thu hồi các sản phẩm sữa sau khi có nghi vấn liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả đã cho thấy tinh thần chủ động và trách nhiệm cao từ phía cơ sở y tế.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã chủ động dừng tư vấn sử dụng sữa Hapomil tại các khoa điều trị, tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm để trả lại nhà cung cấp. Trong trường hợp sản phẩm bị kết luận là hàng giả, Bệnh viện cam kết sẽ đồng hành cùng người bệnh để đòi lại quyền lợi chính đáng.

Có bệnh viện còn phát thông báo cụ thể hơn, khi cho biết đã liên hệ với người bệnh để cùng họ yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm.

Đây là bước xử lý cần thiết và kịp thời, góp phần bảo vệ quyền lợi người bệnh trong bối cảnh chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nếu sản phẩm bị xác định là sữa giả thì trách nhiệm của các bên liên quan phải được đặt trong khuôn khổ pháp lý nghiêm khắc hơn.

Trong trường hợp này, đơn vị cung ứng sản phẩm - dù thông qua đấu thầu hợp pháp - vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định.

Hành vi cung cấp hàng giả, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm dùng trong môi trường y tế, không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn có thể cấu thành tội hình sự.

Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm có thể bị phạt tù đến 20 năm, tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại.

Hơn nữa, các đơn vị cung ứng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc hoàn tiền, mà còn bao gồm cả chi phí y tế phát sinh (nếu có), thiệt hại tinh thần và uy tín của cơ sở y tế.

Vụ việc lần này cũng là sự cảnh tỉnh cho quy trình kiểm duyệt sản phẩm và lựa chọn nhà cung cấp thông qua các gói thầu ở các bệnh viện.

Việc các sản phẩm như sữa Hapomil và Hofumil Gold Plus được đưa vào bệnh viện qua các gói thầu hợp pháp, nghĩa là quy trình đang có lỗ hổng.

Đã đến lúc các bệnh viện và cơ quan quản lý cần xem xét lại tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng, tăng cường hậu kiểm và có cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn đối với các công ty tham gia cung ứng hàng hóa trong môi trường đặc thù như y tế.

Trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người như y tế, mọi hành vi liên quan đến hàng giả cần được xem xét không chỉ ở góc độ kinh tế mà cả đạo đức và pháp lý.

Từ góc độ người tiêu dùng, nhất là những người bệnh yếu thế, việc phát hiện ra mình có thể đã sử dụng sữa giả trong quá trình điều trị là điều không dễ chấp nhận. Nên sự đồng hành của các bệnh viện trong việc thu hồi, hoàn tiền cho người bệnh là kịp thời nhưng chỉ mang tính xoa dịu trước mắt.

Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cũng như việc xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân vi phạm mới có thể mang lại niềm tin lâu dài cho người bệnh và nhân dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật