Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với nạn đua xe trái phép
Thời gian gần đây, tình trạng đua xe trái phép diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc tổ chức đua xe trái phép không chỉ gây náo loạn tại nhiều địa bàn dân cư mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với vấn nạn nguy hiểm này.
Diễn biến phức tạp
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2020, lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện 803 vụ việc sử dụng xe máy lạng lách đánh võng trên đường, với 1.807 đối tượng; đã khởi tố 12 vụ, 69 đối tượng. Riêng trong quý I/2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn 326 vụ đua xe trái phép.
Mặc dù lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý, song tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp. Một số thanh, thiếu niên sử dụng mạng xã hội kêu gọi tụ tập đông người, điều khiển xe lạng lách đánh võng, nẹt pô, gây rối trật tự công cộng, có dấu hiệu đua xe trái phép trên các tuyến giao thông.
Thời gian gần đây, tình trạng đua xe trái phép diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước |
Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải clip thanh niên tên T.T.K, sinh năm 1995 (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chạy xe mô tô với tốc độ 299km/giờ trên Đại lộ Thăng Long. Khi làm việc với cơ quan chức năng, T.T.K đã nhận thức được mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ...
Khi clip này vừa lắng xuống với bài học cảnh tỉnh sâu sắc thì ngay sau đó, tối 16/3, cộng đồng mạng lan truyền clip ghi lại cảnh nhiều chiếc xe Yamaha Exciter di chuyển với tốc độ cao trên đường Võ Nguyên Giáp theo hướng Vĩnh Phúc về trung tâm Hà Nội. Trong đoạn clip được một người điểu khiển xe máy tự quay và đăng tải trên kênh YouTube cùng ngày, đoàn xe trên di chuyển với tốc độ 150km/giờ, bất chấp đây là đoạn đường cấm xe máy.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đặc điểm vi phạm là các đối tượng bất chấp an toàn, di chuyển tốc độ cao; có trường hợp còn tháo biển số để tránh bị camera giao thông nhận diện. Không chỉ lái xe với tốc độ cao, gần đây nhiều thanh, thiếu niên còn thích thể hiện việc bốc đầu xe máy chạy bằng 1 bánh rồi quay clip, tung lên mạng xã hội.
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng đua xe trái phép quanh hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) |
Theo Trung tá Trần Quang Vinh, địa điểm mà các thanh niên thường hay tụ tập là khu vực hầm Kim Liên, cung đường Đại Cồ Việt - Phố Huế - Đinh Tiên Hoàng - Bà Triệu - Nguyễn Du - Giải Phóng… Sau 23h đêm, thường có một số nhóm thanh niên tụ tập rồi rủ nhau đi xe máy tốc độ cao, bốc đầu xe, quay clip rồi tung lên mạng xã hội để khoe khoang. Các thanh niên chọn đoạn đường vắng để lạng lách, đánh võng rồi quay clip.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự nhận thức về pháp luật của một số thanh thiếu niên còn hạn chế, lại thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường...
Cần xử lý nghiêm vi phạm
Là địa bàn xảy ra nhiều vụ đua xe trái phép gần đây, Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) thông tin, các đối tượng đua xe chủ yếu là học sinh trung học phổ thông, lợi dụng dịp được nghỉ học, nhất là ngày lễ, Tết để tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe. Thủ đoạn là một số thanh niên cầm đầu hẹn nhau qua mạng xã hội và lợi dụng lúc đường phố vắng người để có hành vi tăng ga, hò hét, kích động các đối tượng cùng đi, tạo thành đoàn đua.
Trung tá Nguyễn Thành Công cũng cho biết thêm: “Lứa tuổi mới lớn thường xuất hiện nhu cầu khám phá và khẳng định mình, luôn mong muốn được làm thủ lĩnh của một nhóm nào đó. Hiện tượng tụ tập đi “bão”, biểu diễn các màn điều khiển xe nguy hiểm của một bộ phận thanh niên thời gian vừa qua cũng xuất phát từ lý do đó. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng chưa quan tâm đúng mức đến con em mình.
Tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) |
Để ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, Phòng Cảnh sát giao thông đã tăng số Tổ công tác 141 từ 15 tổ lên 30 tổ, ứng trực tại các tuyến phố trung tâm từ sau 22h hằng ngày nhằm phòng, chống các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép.
“Lực lượng sẽ lập hồ sơ, thông báo về nơi cư trú, cơ quan, trường học của đối tượng vi phạm để phối hợp giáo dục, quản lý. Bên cạnh đó, với các đối tượng vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Công an thành phố sẽ xem xét xử lý hình sự”, Trung tá Trần Quang Vinh cho biết.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại các trường học, cũng như những tác hại, hình thức xử phạt đối với hành vi đua xe trái phép. Bên cạnh đó là vận động phụ huynh ký cam kết không cho con em đi xe máy phân khối lớn đến trường.
Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Đại úy Đào Tự Doanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Chương Mỹ) cho biết, ngày 15/3, đơn vị đã ra quyết định phạt 4,4 triệu đồng, tạm giữ phương tiện đối với H.G.M (sinh năm 2003, ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) về hành vi điều khiển xe máy 1 bánh, không đội mũ bảo hiểm rồi đăng tải clip lên mạng xã hội.
Ngày 20/3, Công an quận Long Biên cũng đã xử phạt Đ.H.M (sinh năm 2005, ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) và T.L.G (sinh năm 2003, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) vì hành vi điều khiển xe máy bằng 1 bánh, không đội mũ bảo hiểm.
Về khía cạnh pháp luật, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nhiều đối tượng đua xe đã bị xử lý nghiêm, từ hình thức xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, một bộ phận thanh, thiếu niên vẫn "nhờn luật", khiến tệ nạn đua xe có nguy cơ bùng phát. Do đó, đã đến lúc pháp luật cần có những chế tài nghiêm khắc hơn, như: Tịch thu xe, tăng mức phạt, tước giấy phép lái xe và phải xử lý hình sự nếu đối tượng vi phạm nhiều lần, gây tai nạn giao thông cho người đi đường...