A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TPHCM triệt phá 9 đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả

Ngày 22.7, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã làm việc với Sở Y tế TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thuốc giả, thực phẩm giả.

TPHCM triệt phá 9 đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả

TPHCM thu giữ tang vật các đối tượng sản xuất thuốc giả. Ảnh: Anh Tú

Thời gian qua, tình trạng buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng này, TPHCM đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh tay nhằm ngăn chặn từ gốc các hành vi gian lận trong lĩnh vực dược và thực phẩm.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong 18 tháng (từ tháng 1.2024 đến tháng 6.2025), các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã kiểm tra hơn 27.700 vụ. Qua đó, phát hiện và xử lý 1.475 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, trong đó có nhiều vụ là thuốc và thực phẩm chức năng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm lên tới gần 2.000 tỉ đồng.

Trong lĩnh vực dược, Công an TPHCM đã triệt phá 9 đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả. Các cơ sở này thường hoạt động lén lút, sử dụng máy đóng nang, máy ép vỉ, in tem giả để “hô biến” nguyên liệu rẻ tiền thành thuốc nhái các thương hiệu nổi tiếng. Gần 1,6 tấn nguyên liệu hóa dược không rõ nguồn gốc cùng hàng trăm nghìn vỏ hộp, nhãn mác đã bị thu giữ.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thực phẩm chức năng cũng là “điểm nóng”, khi nhiều đối tượng sản xuất hàng giả tại các cơ sở không phép rồi bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vụ điển hình là cơ sở sản xuất sữa bột giả một nhãn hiệu nổi tiếng bị phát hiện ở tỉnh Bình Dương cũ, trị giá hàng hóa lên tới 14,5 tỉ đồng.

Về hậu kiểm, ngành y tế đã lấy mẫu kiểm nghiệm 774 loại thuốc và phát hiện 20 mẫu không đạt tiêu chuẩn (chiếm 2,58%). Với thực phẩm chức năng, trong số 310 mẫu kiểm tra, có tới 52 mẫu không đạt yêu cầu (tỉ lệ 16,77%). Nhiều sản phẩm chứa thành phần cấm, ghi nhãn không đúng hoặc không rõ nguồn gốc.

Cũng theo ông Nam, Sở Y tế TP đã kiểm tra 496 cơ sở dược, xử phạt 92 cơ sở với tổng số tiền hơn 3,5 tỉ đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến gồm bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc hết hạn, điều kiện bảo quản không đảm bảo, không có mặt dược sĩ khi hoạt động. Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP cũng xử phạt gần 5 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động nhiều cơ sở vi phạm. Cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện 812 vụ vi phạm liên quan đến thuốc và thực phẩm giả, xử phạt và tiêu hủy hàng hóa theo quy định.

Tuy nhiên, công tác chống thuốc, thực phẩm giả vẫn gặp khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh quá lớn: hơn 6.000 cơ sở dược và 13.000 cơ sở thực phẩm trên toàn TP. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra còn mỏng, chủ yếu kiểm tra theo đợt, chưa bao phủ toàn diện.

Đáng chú ý, công cụ hỗ trợ người tiêu dùng hiện vẫn còn hạn chế. Website tra cứu thuốc của ngành y tế TP chỉ cung cấp danh sách nhà thuốc đạt chuẩn GPP, chưa cho phép người dân kiểm tra được thông tin sản phẩm cụ thể tại thời điểm mua hàng.

Trước thực trạng này, TPHCM kiến nghị Trung ương tăng mức phạt hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả; đầu tư cho công tác kiểm nghiệm; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc. Việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật