A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấn Độ và Đài Loan đang hút các nhà đầu tư tài chính

Các nhà đầu tư đang hướng đến cổ phiếu của các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Đài Loan hay các nơi khác, với kỳ vọng mức tăng trưởng cao cũng như đồng đô la tiếp tục giảm giá trong thời gian gần đây.

Khách chụp hình lưu niệm ở tòa nhà thị trường chứng khoán Bombay. Chỉ số Sensex chuẩn của Ấn Độ kết thúc phiên giao dịch ngày 8-12 ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Reuters

Chỉ số MSCI thị trường mới nổi không bao gồm Trung Quốc đóng cửa ở mức 5.841 hôm 8-12, tăng 8% so với cuối tháng 10 và chỉ giảm nhẹ so với mức cao nhất hàng năm kể từ tháng 8 vừa rồi.

Chứng khoán Ấn Độ tiếp tục xanh

Ấn Độ là nước có tỷ trọng cao nhất trong chỉ số tính bằng đồng bạc xanh, đóng vai trò lực đẩy cho mức gia tăng ấn tượng 8% ở trên. Theo dữ liệu của QUICK-FactSet, chỉ số Sensex chuẩn của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục khi đóng cửa hôm 8-12. Tổng vốn hóa thị trường lần đầu tiên đạt 4.000 tỉ đô la sau khi tăng khoảng 20% từ đầu năm đến nay.

Các nhà đầu tư đang đặt cược vào sự gia tăng nhu cầu nội địa của Ấn Độ khi nước này đứng đầu thế giới về dân số và đang trên đường trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu khi thế giới muốn giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Trong tuần này, Yasutomo Mentani của tập đoàn quản lý tài sản Eastspring Investments đã đến thăm Ấn Độ lần đầu tiên sau năm năm. Từ quan sát của mình, Mentani thấy rằng, trung tâm thành phố Mumbai có nhiều trung tâm mua sắm lớn. Trên đường phố có nhiều xe thể thao, có nghĩa rằng mức chi tiêu xa hoa ở đây rất lớn. Điều này đồng nghĩa kinh tế nước này có những diễn biến tích cực trong thời gian tới.

Liên đoàn các hiệp hội đại lý xe hơi Ấn Độ báo cáo doanh số bán lẻ xe chở khách đạt kỷ lục vào tháng 11. Cổ phiếu của Maruti Suzuki và Mahindra & Mahindra đều tăng khoảng 30% trong năm nay, trong khi cổ phiếu của công ty xây dựng Larsen & Toubro tăng đến 60%.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vào tháng 11 đã nâng xếp hạng đối với chứng khoán Ấn Độ lên mức rất cao (overweight), tức thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục sắc xanh trong tương lai. Goldman Sachs đưa ra lý do là kỳ vọng về “tăng trưởng trên diện rộng tương đối tách biệt với môi trường kinh tế vĩ mô”. Nomura Securities cũng đánh giá cổ phiếu Ấn Độ là “overweight” do tăng trưởng lợi nhuận và tính thanh khoản cao.

Đô la ngừng tăng giá, chứng khoán nhiều nơi khởi sắc

Ngoài Ấn Độ, các nhà đầu tư cũng đang đổ xô vào các thị trường mới nổi khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Ba Lan hay Brazil.

Theo EPFR Global, tổng cộng 3,2 tỉ đô la đã đổ vào chứng khoán Đài Loan kể từ tháng 10-2023, nhiều hơn dòng vốn 3 tỉ đô la ở Ấn Độ. Hy vọng về sự phục hồi của ngành bán dẫn đã giúp chỉ số chứng khoán TWSE, vốn có phần nghiêng về công nghệ, lên mức cao nhất trong năm nay. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng tăng khoảng 10% kể từ cuối năm 2022.

Góp phần vào xu hướng này là đà tăng giá của đồng đô la bị chững lại giữa lúc các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu dò xét các động thái cắt giảm lãi suất của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi thị trường việc làm ở Mỹ đang yếu đi. Đồng tiền của Hàn Quốc và Đài Loan đã tăng 3% so với đồng bạc xanh (đô la Mỹ) kể từ cuối tháng 10. Đồng tiền mạnh hơn làm giảm bớt gánh nặng lãi suất đối với khoản nợ bằng đồng đô la.

Shinya Harui, chiến lược gia ngoại hối tại Nomura Securities cho biết, khi áp lực giảm giá đồng tiền giảm bớt, các quốc gia đã bắt đầu hạ lãi suất như Brazil sẽ có nhiều dư địa để cắt giảm hơn. Suy nghĩ của các nhà đầu tư là lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế, từ đó thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.

Ba Lan, quốc gia đã cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm vào tháng 9 và một lần nữa vào tháng 10, đã chứng kiến chỉ số WIG20 chuẩn tăng khoảng 20% kể từ cuối tháng 9. Chỉ số Bovespa của Brasil tăng 8% so với cùng kỳ trong bối cảnh việc cắt giảm lãi suất bắt đầu vào tháng 8.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chứng khoán giảm do bất động sản sụt giảm gây lo ngại về nền kinh tế. Chỉ số Shanghai Composite Index (SCI) đang suy yếu dưới mức 3.000 và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã chạm mức thấp nhất từ đầu năm vào thứ Ba. Theo EPFR, kể từ tháng 10-2023 đã có 1,1 tỉ đô la đã chảy ra khỏi các quỹ của Trung Quốc hướng về các thị trường mới nổi khác.


Tác giả: Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật