A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cứu nguy nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu

Nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia vừa được cứu nguy sau khi một UAV của Ukraina bị bắn hạ cách nhà máy chỉ 300m.

Cứu nguy nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu

Một vụ hỏa hoạn tại nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia, tháng 8.2024. Ảnh: AFP

Theo thông tin từ ban quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) - cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu hiện do Nga kiểm soát, chiếc máy bay không người lái (UAV) bị "vô hiệu hóa" hôm 17.4 gần một tòa nhà huấn luyện chứa mô hình lò phản ứng, nơi phục vụ công tác đào tạo kỹ thuật viên.

Phát ngôn viên của nhà máy, bà Evgenia Yashina, khẳng định với hãng thông tấn Nga TASS: "Không thể là nhầm lẫn, đây là hành động có chủ đích. Ukraina đang phớt lờ mọi sáng kiến hòa bình, kể cả những nỗ lực đảm bảo an toàn hạt nhân".

ZNPP đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga từ tháng 3.2022, sau khi khu vực này tiến hành trưng cầu dân ý sáp nhập Nga. Nhà máy hiện do tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom vận hành.

Nga cáo buộc Ukraina nhiều lần nhắm UAV và pháo binh vào nhà máy và thành phố Energodar lân cận trong thời gian qua.

Đáng chú ý, vụ UAV lần này xảy ra trong thời điểm nhạy cảm: lệnh đình chiến tạm thời kéo dài 30 ngày - đạt được sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 18.3 - sắp kết thúc. Lệnh ngừng tấn công nhắm vào hạ tầng năng lượng này vốn được phía Ukraina chấp thuận ban đầu, nhưng sau đó tỏ ra không hài lòng vì không mở rộng thành ngừng bắn toàn diện.

Từ sau khi lệnh đình chiến có hiệu lực, quân đội Nga vẫn liên tục cáo buộc Ukraina vi phạm, trong đó có những vụ tấn công vào trạm khí đốt của đường ống dẫn khí Nga TurkStream sang Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu.

Dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã cử nhóm quan sát thường trực tại nhà máy ZNPP từ tháng 9.2022, tổ chức này vẫn tránh đưa ra kết luận về bên nào đứng sau các cuộc tấn công.

Trong một động thái hiếm hoi hồi tháng 3, IAEA đã lần đầu tiên phải đưa đội ngũ chuyên gia đến ZNPP thông qua lãnh thổ Nga, sau nhiều nỗ lực vận chuyển qua các vùng do Ukraina kiểm soát bị cản trở bởi chiến sự. Mátxcơva cáo buộc Kiev cố tình gây khó khăn cho phái đoàn Liên Hợp Quốc.

Trong khi thế giới vẫn chưa nguôi lo ngại về thảm họa hạt nhân tiềm tàng, việc UAV chiến đấu lại tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm như vậy khiến ranh giới giữa răn đe và thảm họa trở nên mong manh hơn bao giờ hết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật