A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức bán một phần cảng Hamburg cho công ty Trung Quốc

Đức chấp thuận cho công ty Trung Quốc Cosco mua 24,99% cổ phần một cảng container nhỏ nhất của cảng biển Hamburg.

Đức bán một phần cảng Hamburg cho công ty Trung Quốc

Tàu chở container của Công ty Vận tải Biển Trung Quốc Cosco. Ảnh: Xinhua

Reuters đưa tin, ngày 10.5, Công ty Cổ phần Cảng vụ và Logistics Hamburg (HHLA) cho biết, chính phủ Đức đã phê chuẩn việc cho phép Công ty Vận tải Biển Trung Quốc Cosco mua 24,99% cổ phần một cảng container của HHLA.

Người phát ngôn của chính phủ Đức tuyên bố, Berlin đã thông báo cho HHLA và Cosco rằng, công ty Cosco chỉ được phép mua tối đa dưới 25% cổ phần của nhà điều hành cảng container Tollerort (CTT) - cảng nhỏ nhất trong số 4 cảng mà HHLA sở hữu.

Thỏa thuận này cũng phù hợp với việc Berlin xếp cảng Tollerort vào hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt trong năm nay - tuyên bố cho biết thêm.

Kế hoạch bán cổ phần cảng biển cho công ty Trung Quốc từng gây tranh cãi do lo ngại về an ninh và sự phản đối từ các thành viên của liên minh cầm quyền.

Ban đầu, Cosco muốn tiếp quản 35% cổ phần của công ty điều hành HHLA để có thể nâng cấp cảng CTT thành điểm trung chuyển quan trọng ở châu Âu.

Tuy nhiên, đối tác liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong các đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do kêu gọi đánh giá lại thỏa thuận cũng như khả năng giảm cổ phần của Cosco.

Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Olaf Scholz thông qua thỏa thuận, cho phép Cosco mua 24,99% cổ phần của Tollerort.

Tuy nhiên, tháng trước, cơ quan an ninh Đức tuyên bố cảng CTT là "cơ sở hạ tầng then chốt", làm dấy lên nghi ngờ rằng việc mua cổ phần có thể phải đối mặt với những hạn chế cao hơn.

Một góc cảng Hamburg. Ảnh: Xinhua

Một góc cảng Hamburg, Đức. Ảnh: Xinhua

Ngày 10.5, phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, chính phủ đã tuân thủ quyết định của mình từ tháng 10 năm ngoái mà không thực hiện bất kỳ sửa đổi nào, tức là Cosco được phép mua 24,99% cổ phần. Ông Hebestreit không cung cấp thêm chi tiết giải thích lý do đằng sau quyết định.

Việc bật đèn xanh diễn ra chỉ sáu tuần trước cuộc họp thượng đỉnh dự kiến của các quan chức chính phủ Đức và Trung Quốc vào ngày 20.6 tại Berlin.

Các nhà phê bình cho rằng, việc mua cổ phần cảng là một phần của chiến lược đầu tư có mục tiêu mà qua đó Trung Quốc muốn đưa cơ sở hạ tầng khắp châu Âu vào tầm ảnh hưởng của mình.

Công ty HHLA bày tỏ hoan nghênh sự chấp thuận này, đồng thời cho biết thêm "tất cả các vấn đề trong phạm vi của quy trình sàng lọc đầu tư đã được cùng nhau làm rõ trong các cuộc đàm phán chuyên sâu, mang tính xây dựng" và giao dịch của thỏa thuận sẽ sớm được hoàn tất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan