A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

FED thận trọng trong cuộc chiến chống lạm phát

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 1/11 duy trì mức lãi suất hiện tại từ 5,25% - 5,5% (mức cao nhất trong 22 năm qua) nhưng vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng tới.

 Đây là lần thứ 2 liên tiếp FED giữ nguyên lãi suất ở mức nói trên sau khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ tháng 3/2022 để chống lạm phát.

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát còn một chặng đường dài phía trước. 

FED tuyên bố rằng các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế đã mở rộng với tốc độ mạnh mẽ trong quý III/2023. Mức tăng trưởng việc làm đã chững lại kể từ đầu năm nhưng vẫn ở mức cao và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp trong khi lạm phát vẫn còn cao.

FED thận trọng trong cuộc chiến chống lạm phát - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington – Mỹ hôm 1/11 Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, ông Powell cho rằng FED đang tiến gần đến thời điểm kết thúc chiến dịch tăng lãi suất. Ông cũng lưu ý rằng việc duy trì lãi suất dài hạn ở mức cao có thể giúp giảm lạm phát mà không nhất thiết phải tăng thêm lãi suất.

 Chủ tịch FED cũng nhấn mạnh việc giảm tốc tăng lãi suất sẽ giúp họ có thêm thời gian đánh giá tác động về kinh tế và có thể tiếp tục tăng lãi suất trong trường hợp cần thiết. Cuộc họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra vào ngày 12/12.

Ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Công ty Quản lý đầu tư Allianz Investment Management (Đức), cho rằng dù vẫn còn khả năng FED tăng lãi suất lần nữa nhưng phát biểu của ông Powell cho thấy "tiêu chuẩn cho việc tăng lãi suất" đã cao hơn. 

Trong khi đó, bà Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh), cho rằng FED cần thấy thêm bằng chứng về tăng trưởng việc làm và tiền lương chậm hơn để tin rằng lạm phát đang trở lại mức mục tiêu 2%.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio hôm 2/11 cho biết chính phủ sẽ chi hơn 17.000 tỉ yen cho các giải pháp giảm thiểu tác động kinh tế vì lạm phát gia tăng, bao gồm việc cắt giảm thuế. Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi về tính khả thi của ngân sách 5.000 tỉ yen dành cho biện pháp này có tác động đáng kể trong việc thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản.


Tác giả: Xuân Mai
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan