Lý do ông Prayuth bị đình chỉ chức thủ tướng
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã bị Tòa Hiến pháp đình chỉ chức vụ hôm 24/8 do tranh cãi liên quan đến thời hạn nhiệm kỳ của ông.
Tòa Hiến pháp đã cân nhắc các khiếu nại và quyết định đình chỉ chức vụ với ông Prayuth cho đến khi tòa ra phán quyết. Khiếu nại từ phe đối lập cho rằng vị thủ tướng đã tại nhiệm đủ thời hạn quy định.
Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan nhiều khả năng sẽ được lựa chọn làm thủ tướng lâm thời để lãnh đạo chính phủ.
Hiến pháp năm 2017 cấm thủ tướng tại vị hơn 8 năm. Những người ủng hộ thủ tướng Thái Lan cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayuth được tính từ khi Hiến pháp năm 2017 được thông qua, hoặc sau kỳ bầu cử năm 2019. Theo đó, ông Prayuth có thể tại vị ít nhất là đến năm 2025.
Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ của ông phải được tính từ tháng 8/2014, thời điểm ông lật đổ chính phủ dân cử để lên nắm quyền. Do đó, nhiệm kỳ của ông Prayuth sẽ kết thúc vào hôm 24/8 nếu tính theo mốc thời gian này.
Quyền lực tòa án
Đây không phải là lần đầu Tòa Hiến pháp tác động đến chính trường Thái Lan. Tòa án này từng hủy kết quả tổng tuyển cử năm 2006 và 2014.
"Tôi sẽ không bất ngờ nếu phán quyết của Tòa Hiến pháp có lợi cho ông Prayuth", nhà phân tích chính trị Napisa Waitoolkiat tại Đại học Naresuan nói.
Biểu tình phản đối ông Prayuth đã diễn ra vào tối 23/8 và dự kiến có thêm những cuộc biểu tình khác yêu cầu thủ tướng đương nhiệm từ chức. Cảnh sát hôm 24/8 đã đặt các container vận chuyển trên một số đường phố gần các văn phòng chính phủ để đề phòng các cuộc biểu tình mới.
Cảnh sát Thái Lan dựng rào chắn quanh tòa nhà chính phủ hôm 24/8 do lo ngại biểu tình sau khi tòa án đình chỉ Thủ tướng Prayuth. Ảnh: Reuters.
Một người biểu tình tên Ball tin rằng ông Prayuth sẽ tiếp tục tại vị với sự ủng hộ từ tòa án, và người Thái Lan sẽ xuống đường một lần nữa như năm 2020.
"Trong 8 năm qua, đất nước đã không cải thiện được gì, và mọi người đã gần đạt giới hạn chịu đựng", ông Ball nói.
Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến lên (Move Forward) đối lập, kêu gọi sớm có phán quyết với ông Prayuth.
"Luật về vấn đề này không quá phức tạp. Nếu Tòa Hiến pháp có thể quyết định nhanh chóng, chúng tôi sẽ giảm được lo ngại về khoảng trống trong chính quyền", ông Limjaroenrat nói.
Kinh tế phục hồi chậm
Hồi tháng 7, văn phòng ông Prayuth đã có những chiến dịch quảng bá hình ảnh của thủ tướng với trọng tâm là những cam kết phục hồi kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm kêu gọi cử tri tiếp tục ủng hộ ông nắm quyền nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong bài phát biểu năm 2019, ông cam kết sẽ đưa Thái Lan thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tuy vậy, ngay sau đó, nền kinh tế nước này phải hứng chịu cú sốc từ Covid-19.
Trong đó, ngành du lịch - từng chiếm khoảng 10% GDP cả nước trước đại dịch - chịu thiệt hại nặng nề, song đây là lĩnh vực dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Prayuth khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng.
Ông Prayuth sau khi dự cuộc họp nội các hôm 23/8, một ngày trước khi bị Tòa Hiến pháp tuyên bố đình chỉ chức vụ. Ảnh: Reuters.
Mặc dù Thái Lan đã mở cửa đón du khách quốc tế, ngành du lịch nước này cũng khó sớm trở lại thời điểm trước đại dịch, khi Covid-19 vẫn còn hiện hữu, cùng những sức ép về giá cả và lạm phát trên thế giới.
Theo Nikkei, kinh tế Thái Lan trong năm 2021 chỉ đạt tăng trưởng 1,5%, thấp nhất trong số những nước chủ chốt ở Đông Nam Á, trong khi dự báo tăng trưởng năm nay đạt khoảng 3%.
"Dân số đất nước đã đạt đỉnh điểm, và ham muốn đầu tư từ những công ty nước ngoài cũng đã giảm bớt", Seiya Sukegawa, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Thai-Nichi ở Bangkok, cho biết.
Nợ hộ gia đình ở thái Lan đã đạt 91% GDP vào năm 2021, tăng 10,8 điểm phần trăm so với năm 2019, và cao hơn mức nợ trung bình ở các nền kinh tế mới nổi (51%).
Vị thế giảm sút
Hồi tháng 6, vị thế của liên minh cầm quyền chịu sức ép khi nghị sĩ Chadchart Sittipunt thuộc đảng đối lập Vì nước Thái (Pheu Thai) đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử thống đốc Bangkok.
Vị thế ngày càng suy giảm của ông Prayuth còn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những nghị sĩ liên minh cầm quyền trước thềm tổng tuyển cử vào tháng 3/2023.
"Nếu bạn nhìn vào hành vi của những chính trị gia này, họ không chú tâm đến chính quyền hiện tại. Họ chỉ quan tâm về cuộc bầu cử sắp tới", nhà phân tích chính trị Waitoolkiat nói.
Tuy vậy, lợi thế của thủ tướng là ông có thể tổ chức bầu cử sớm hơn hoặc trì hoãn đến một thời điểm khác trong năm 2023, khi liên minh cầm quyền có nhiều bước tiến và ghi điểm trước thềm tổng tuyển cử.
Kinh tế ảm đạm cùng bất mãn với chính quyền đương nhiệm khiến nhiều người Thái mong muốn gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở lại nắm quyền. Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin, được là sẽ trở thành ứng cử viên cho chức thủ tướng của đảng Pheu Thai trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3/2023, theo AFP.