A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga phát triển tên lửa mới mạnh không kém vũ khí hạt nhân

Nga đang trong giai đoạn cuối phát triển loạt hệ thống tên lửa chiến lược mới với sức mạnh vượt trội, không kém cạnh vũ khí hạt nhân.

Nga phát triển tên lửa mới mạnh không kém vũ khí hạt nhân

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Đại tướng Sergey Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược (SMF) Nga, trong bài phỏng vấn độc quyền trên báo Krasnaya Zvezda nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng này cho biết, Nga đang phát triển các hệ thống tên lửa mới không kém hiệu quả so với tàu lượn hạt nhân Avangard và tên lửa siêu thanh Oreshnik.

Theo Tướng Karakaev, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện tại của Nga, bao gồm Avangard và Oreshnik, được trang bị đầu đạn thế hệ mới, có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.

Đặc biệt, Nga đang thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào sử dụng các hệ thống chiến lược như Sarmat và Osina, được xem là "cú đấm" đáng gờm trong kho vũ khí răn đe của Nga.

Ông tiết lộ rằng còn nhiều dự án tên lửa khác đang được phát triển, nhưng “thời điểm để công bố vẫn chưa đến”.

Trong số các hệ thống nổi bật, tên lửa RS-28 Sarmat - được NATO gọi là "Satan II" - là một trọng tâm. Được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023, RS-28 Sarmat có khả năng mang theo 10 đầu đạn hạt nhân nặng hoặc hàng chục đầu đạn nhẹ hơn, đồng thời tích hợp với tàu lượn siêu thanh Avangard để tránh né các hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi.

Sarmat đặc biệt đáng gờm nhờ khả năng tấn công mục tiêu từ Nga tới Mỹ thông qua Cực Nam, tránh hệ thống phòng thủ tên lửa tại Alaska. Đối với các căn cứ tên lửa của Mỹ ở Romania và Ba Lan - vốn được coi là mối đe dọa gần biên giới Nga - Tướng Karakaev khẳng định rằng chúng không đủ sức đối phó với tên lửa siêu thanh của Nga.

“Không có nơi nào nằm ngoài tầm bắn của chúng tôi” - ông nhấn mạnh, đồng thời tiết lộ rằng các tên lửa Nga hiện đang được thiết kế để đối phó hiệu quả với bất kỳ kịch bản phát triển hệ thống phòng thủ nào từ Mỹ và đồng minh.

Mátxcơva coi việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga là một mối đe dọa sống còn. Tổng thống Vladimir Putin gần đây nhấn mạnh rằng hệ thống tên lửa siêu thanh Oreshnik sẽ là một phần trong chiến lược đáp trả toàn diện của Nga trước việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại Tây Âu.

Tháng 11 vừa qua, Nga đã phô diễn sức mạnh của Oreshnik khi phóng một tên lửa mang đầu đạn siêu thanh vào mục tiêu nhà máy quân sự ở thành phố Dnepr, Ukraina. Theo kế hoạch, Oreshnik sẽ bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt vào năm 2025, tạo thêm lợi thế cho Nga trong cuộc đua vũ khí toàn cầu.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây, các hệ thống tên lửa mới này không chỉ là công cụ răn đe chiến lược mà còn là lời tuyên bố rằng Nga sẵn sàng đối đầu với bất kỳ mối đe dọa nào.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật