A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người lính cứu hỏa gây chú ý sau thảm kịch đêm Halloween ở Itaewon

Khi thông tin về tình hình vụ giẫm đạp, tay cầm micro không ngừng run rẩy của ông Choi Seong Beom trở thành hình ảnh gây ấn tượng mạnh.

Hình ảnh ông Choi Seong Beom khi phát biểu về thảm kịch viral trên mạng xã hội Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Hình ảnh ông Choi Seong Beom khi phát biểu về thảm kịch viral trên mạng xã hội Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Ngày 30/10, một đoạn video về ông Choi Seong Beom, người đứng đầu sở cứu hỏa Yongsan, Seoul, lan truyền trên mạng xã hội Hàn Quốc.

Trong clip, ông giải thích những gì đã xảy ra và trả lời các câu hỏi của phóng viên. Dù cố giữ vẻ mặt và giọng nói bình tĩnh, tay trái cầm micro của ông run rẩy không ngừng. Từ tối 29/10 đến sáng 30/10, ông đã tham gia 5 cuộc họp báo tại hiện trường vụ việc, theo Korea Times.

Dưới phần bình luận, nhiều người cho rằng hình ảnh của vị trạm trưởng trạm cứu hỏa đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của thảm kịch ở Itaewon. Ông cũng được nhận xét có vẻ ngoài nghiêm nghị nhưng bên trong là người ấm áp, quan tâm.

Tay cầm micro của ông Choi không ngừng run rẩy. Ảnh cắt từ clip.

Tay cầm micro của ông Choi không ngừng run rẩy. Ảnh cắt từ clip.

Trong cuộc họp báo, ông Choi đã yêu cầu một số người gây ồn ào gần đó cư xử đúng mực và giữ yên lặng với giọng nghiêm khắc để nhân viên cấp cứu có thể tập trung làm việc. Thái độ cứng rắn khiến ông trông vừa nghiêm túc vừa cảm thương trước tình hình khi đó.

"Giống chúng ta, ông ấy hẳn cũng đã hoảng sợ khi số nạn nhân ngày một nhiều. Đám đông chen chúc, xô đẩy dẫn đến hậu quả đau lòng hẳn là một tình huống đáng sợ ngay cả đối với những nhân viên cứu hộ kỳ cựu như ông ấy", một người nhận xét.

Nhiều người khác cũng để lại bình luận đồng cảm với lực lượng cứu hộ: "Chúng ta nên cảm ơn các nhân viên cứu hộ, những người luôn đứng vững giữa sự hỗn loạn và làm việc vì sự an toàn của chúng ta", "Cần có phương án điều trị thích hợp cho lực lượng cứu hỏa và y tế nếu họ gặp chấn thương tâm lý".

Ngoài clip về ông Choi, bài đăng ngày 30/10 của một cảnh sát giấu tên, được xác định làm việc tại Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, cũng thu hút nhiều sự chú ý.

Anh cho biết được điều động đến Itaewon để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ. Sau khi công việc kết thúc, cảnh tượng bi thảm ở hiện trường vẫn ám ảnh anh.

Hiện trường vụ giẫm đạp là con ngõ hẹp, dốc ở Itaewon. Ảnh: The New York Times.

Hiện trường vụ giẫm đạp là con ngõ hẹp, dốc ở Itaewon. Ảnh: The New York Times.

"Khi thấy những người đang chết dần trước mắt, tôi cố gắng làm mọi thứ trong khả năng nhưng không thể cứu được tất cả họ. Tôi rất lấy làm tiếc vì không thể cứu được nhiều người hơn đồng thời muốn gửi lời cảm ơn đến những người đồng nghiệp cảnh sát, lực lượng cứu hỏa, y tế và người dân đã giúp đỡ chúng tôi".

Bên dưới bài đăng, nhiều người dùng mạng bày tỏ lòng biết ơn đối với nỗ lực cứu hộ của các lực lượng: "Đó không phải lỗi của anh", "Hy vọng anh có thể được điều trị, tư vấn tâm lý".

Tối 29/10, hàng chục nghìn người, phần lớn là người trẻ, đổ xô đến khu vực Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) để tham gia lễ hội Halloween. Đây là sự kiện Halloween đầu tiên được tổ chức trở lại sau 3 năm, khi Hàn Quốc dỡ bỏ nhiều hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Thảm kịch bắt đầu xảy ra khi nhiều người bị nhồi nhét trong một con hẻm hẹp, dốc cạnh khách sạn Hamilton. Tính đến sáng 1/11, các quan chức xác nhận đã có 154 người chết thuộc nhiều quốc tịch. Con số thương vong có thể còn tăng lên do 33 người vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Vụ việc cũng là một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người, chủ yếu là học sinh trung học, thiệt mạng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan