A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nord Stream có thể lại làm rung chuyển khí đốt toàn cầu

Nord Stream - biểu tượng quyền lực khí đốt Nga tại châu Âu - có thể một lần nữa trở thành tâm điểm trong cuộc chơi địa chính trị khí đốt toàn cầu.

Nord Stream có thể lại làm rung chuyển khí đốt toàn cầu

Nord Stream từng là đường ống quan trọng đưa khí đốt Nga tới châu Âu. Ảnh: Gazprom

Theo tờ National Interest, việc Mỹ và Nga đang âm thầm nối lại đàm phán về các dự án khí đốt, bao gồm khả năng khôi phục Nord Stream 2, đang mở ra những kịch bản mới có thể làm rung chuyển thị trường khí đốt và LNG thế giới.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ đầu, Mỹ từng mạnh tay phản đối khí đốt Nga: ngăn chặn Nord Stream 2, thúc đẩy xuất khẩu LNG của Mỹ dưới danh nghĩa “khí tự do”, và gây áp lực buộc châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga.

Sau cuộc xung đột tại Ukraina, Washington cấm LNG Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các dự án khí đốt Bắc Cực như Arctic LNG 2, Portovaya và Vysotsk LNG. Hệ quả là hầu hết các dự án này đã phải dừng hoạt động, chỉ còn Sakhalin-2 và Yamal LNG hoạt động cầm chừng.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump thứ hai đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý: các cuộc thảo luận giữa giới chức Mỹ - Nga đang đặt lên bàn khả năng hợp tác để bán khí đốt Nga cho châu Âu, hồi sinh Nord Stream 2 và thậm chí hợp tác trong các dự án khí đốt Bắc Cực - điều từng bị xem là bất khả thi. Dù vẫn còn nhiều hoài nghi về kết quả cuối cùng, rõ ràng "cuộc chơi khí đốt" đang mở ra những biến số khó lường.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trong quá trình xây dựng. Ảnh: Gazprom

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trong quá trình xây dựng. Ảnh: Gazprom

Với Nga, Nord Stream không chỉ là một đường ống mà là biểu tượng cho tham vọng trở thành cường quốc năng lượng châu Âu. Việc khôi phục Nord Stream hoặc tăng xuất khẩu khí sẽ được điện Kremlin xem là chiến thắng chính trị trước phương Tây. Trong khi đó, Mỹ - với lợi thế từ thị trường LNG đang mở rộng – lại hưởng lợi từ việc duy trì áp lực lên khí đốt Nga để chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Nhưng lựa chọn nào cho Washington?

Tăng cường trừng phạt LNG Nga sẽ giúp Mỹ mở rộng thị phần LNG nhưng đẩy căng thẳng với Nga lên cao.

Nới lỏng trừng phạt có thể giúp bình ổn giá năng lượng tại châu Âu, nhưng lại khiến các nhà sản xuất LNG Mỹ chịu sức ép cạnh tranh lớn.

Giữ nguyên hiện trạng là cách an toàn nhất nhưng không tạo đột phá chính trị hay kinh tế.

Về đường ống dẫn khí, các tuyến như qua Phần Lan hay Ba Lan gần như không có cửa trở lại do các rào cản chính trị. TurkStream là lựa chọn duy nhất còn vận hành, nhưng dễ trở thành mục tiêu nếu căng thẳng leo thang.

Nord Stream 1 và Nord Stream 2 bị hư hại, chỉ còn một nhánh chưa sử dụng được, và muốn khôi phục phải vượt qua cả thách thức kỹ thuật lẫn pháp lý.

Một thỏa thuận trung chuyển khí tối thiểu qua Ukraina có thể là điểm cân bằng khả dĩ: vừa duy trì ảnh hưởng của Nga, vừa không làm tổn hại lợi ích xuất khẩu LNG của Mỹ, lại đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Âu.

Với 3 hướng đi: đảm bảo giá năng lượng trong nước, mở rộng thị phần LNG và tìm kiếm đột phá ngoại giao, chưa rõ ông Trump sẽ chọn hướng đi nào.

Trong khi đó, Nga đang khéo léo chuyển trọng tâm đàm phán từ xung đột Ukraina sang hợp tác kinh tế với Mỹ, bao gồm cả đất hiếm và Bắc Cực.

Kết quả vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng điều chắc chắn là bất kỳ thay đổi nào trong cục diện khí đốt Nga và việc hồi sinh Nord Stream sẽ tạo hiệu ứng domino, định hình lại dòng chảy năng lượng, đầu tư và cán cân quyền lực toàn cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật