A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình cảnh ở Đức khi vừa mất khí đốt Nga vừa rét đậm

Khi không còn khí đốt Nga trong mùa đông rét đậm, giới chức Đức yêu cầu người dân tiết kiệm khí đốt.

Tình cảnh ở Đức khi vừa mất khí đốt Nga vừa rét đậm

Đường ống dẫn khí đốt Nga. Ảnh: Sputnik

Cơ quan Mạng lưới Liên bang - cơ quan quản lý năng lượng của Đức - đã yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt, tờ Die Welt đưa tin ngày 1.1.

Theo phân tích của cơ quan này, Đức đã tiêu thụ nhiều khí đốt hơn đáng kể trong mùa sưởi ấm năm nay so với năm ngoái.

Tổng mức tiêu thụ khí đốt ở Đức đã tăng 5,8% từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, lên 246 terawatt-giờ (TWh).

Các ngành công nghiệp ghi nhận mức tăng tiêu thụ là 9,1% so với năm 2023, trong khi mức tăng ở các hộ gia đình và doanh nghiệp khiêm tốn hơn ở mức 1,9%.

Cơ quan Mạng lưới Liên bang cho rằng mức tăng đột biến trong tiêu thụ khí đốt là do thời tiết rét đậm hơn. Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Klaus Muller nhấn mạnh, xét theo xu hướng này, người tiêu dùng nên tiết kiệm hơn khi sử dụng khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt, nếu không giá cả sẽ tăng.

"Chắc chắn vẫn nên tiết kiệm khí đốt để giảm bớt gánh nặng cho ví tiền của bạn", ông Muller nói. Tuy nhiên, theo ông Muller, nguồn cung khí đốt của Đức vẫn chưa bị đe dọa, vì các cơ sở lưu trữ vẫn còn 80%.

"Điều này có nghĩa là chúng ta đã chuẩn bị tốt cho ba tháng tới", ông nói và bổ sung rằng Đức đã "vượt qua nửa đầu mùa đông một cách tốt đẹp cho đến nay".

Khi nói đến sưởi ấm, khí đốt vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất ở Đức, với khoảng một nửa số căn hộ và nhà ở gia đình đơn lẻ trên toàn quốc được sưởi ấm bằng khí đốt, Die Welt cho hay.

Đức phụ thuộc vào Nga để đáp ứng hơn một nửa nhu cầu khí đốt của mình trước khi xung đột Ukraina leo thang vào năm 2022. Hoạt động giao hàng khí đốt Nga đã bị cắt giảm đáng kể hoặc dừng hoàn toàn sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và đường ống Nord Stream cung cấp khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức đã bị phá hủy do các vụ nổ dưới đáy Biển Baltic vào tháng 9 năm 2022.

Bức ảnh chụp ngày 14.9.2022 cho thấy các cơ sở của đường ống dẫn khí Nord Stream tại Lubmin, Đức. Ảnh: Xinhua

Bức ảnh chụp ngày 14.9.2022 cho thấy các cơ sở của đường ống dẫn khí Nord Stream tại Lubmin, Đức. Ảnh: Xinhua

Từ lâu được coi là cường quốc công nghiệp của EU, Đức là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung cấp năng lượng của Nga giảm, khiến nền kinh tế Đức lao dốc vào suy thoái năm 2023.

Vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Đức đã điều chỉnh giảm dự báo GDP năm 2024 xuống 0,2%. Việc mất nguồn khí đốt giá rẻ của Nga và phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt hơn nhiều từ Mỹ cũng đã đẩy giá năng lượng ở Đức vượt quá khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp công nghiệp, gây ra làn sóng đóng cửa và phá sản.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây đã chỉ trích những người kế nhiệm bà vì đã từ bỏ khí đốt Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2 phát sóng vào đầu tháng 12, bà Merkel cho biết việc mua khí đốt từ Nga "là một tình huống đôi bên cùng có lợi" cho cả hai quốc gia, vì Berlin có thể có được mặt hàng rất cần thiết này "với mức giá ưu đãi", trong khi "giá cả tăng vọt" sau khi Đức từ bỏ nguồn cung cấp của Nga.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật