Tổng thống nghèo nhất thế giới qua đời do ung thư
Cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica, người được biết đến với biệt danh “tổng thống nghèo nhất thế giới”, đã qua đời ở tuổi 89 vì ung thư.
Chân dung cố Tổng thống Uruguay Jose Mujica tại trụ sở đảng Frente Amplio ở Montevideo ngày 13.5.2025. Ảnh: AFP
Theo thông báo của Tổng thống Uruguay Yamandu Orsi ngày 14.5, ông Mujica - người được xem là lãnh đạo, người dẫn đường và nhà hoạt động tận tụy - đã ra đi trong niềm thương tiếc sâu sắc của người dân.
Ông Mujica được chẩn đoán mắc ung thư thực quản từ tháng 5.2024, căn bệnh sau đó đã di căn đến gan. Hồi tháng 1 năm nay, ông thông báo sẽ ngừng điều trị vì bệnh đã lan rộng. Trong tuần cuối đời, ông được chăm sóc giảm nhẹ tại trang trại của mình, nơi ông sẽ được an táng theo di nguyện.
Sinh thời, ông Jose Mujica là cựu chiến binh du kích, từng tham gia phong trào vũ trang trong thập niên 1960 - 1970. Ông bị bắt, bị tra tấn và biệt giam trong nhiều năm, cho đến khi được trả tự do năm 1985. Sau đó, ông bước vào chính trường, sáng lập Phong trào Quần chúng Tham dự (MPP), đảng thành viên lớn nhất trong liên minh cánh tả tại Uruguay. Ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí từ nghị sĩ, Bộ trưởng Nông nghiệp đến Tổng thống Uruguay trong giai đoạn 2010 - 2015.
Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống, ông Mujica được ngợi ca là một trong những nhà lãnh đạo tiến bộ nhất khu vực Mỹ Latin. Ông sống giản dị, từ chối sự xa hoa và dành phần lớn tiền lương Tổng thống để làm từ thiện. Ông sống cùng vợ trong một trang trại nhỏ và sở hữu chiếc xe Volkswagen Beetle đời 1987 - tài sản lớn nhất của mình.
Năm 2014, một hoàng thân Arab từng ngỏ ý mua lại chiếc xe với giá 1 triệu USD, nhưng ông từ chối vì cho rằng điều đó sẽ xúc phạm đến những người bạn đã góp tiền để mua chiếc xe cho ông và vợ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, ông Mujica nói: “Tôi không sống trong cảnh nghèo đói. Tôi sống một cách mộc mạc, chân phương. Tôi không cần gì nhiều để sống”. Quan điểm này phản ánh lập trường phê phán chủ nghĩa tiêu dùng mà ông luôn theo đuổi.
Sau khi ông qua đời, nhiều lãnh đạo ở Mỹ Latin và châu Âu đã gửi lời tri ân. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum gọi ông là “tấm gương cho Mỹ Latin và toàn thế giới”.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro ca ngợi ông là “một nhà cách mạng vĩ đại”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhận định ông “đã sống vì một thế giới tốt đẹp hơn”, trong khi Tổng thống Guatemala Bernardo Arevalo gọi ông là “tấm gương về sự khiêm nhường và vĩ đại”.
Giới chức Brazil cũng bày tỏ lòng tiếc thương, coi ông là “một trong những người theo chủ nghĩa nhân văn quan trọng nhất trong thời đại chúng ta”.