Trung Quốc đạt dấu mốc lớn về nghiên cứu tế bào gốc trong vũ trụ
Sau khi phóng và cập bến thành công tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 6, các phi hành gia Trung Quốc của sứ mệnh Thần Châu 15 đã hỗ trợ nhóm khoa học thực hiện các thí nghiệm nuôi cấy tế bào trong vòng 6 đến 15 ngày trên quỹ đạo.
Trong số đó có nghiên cứu quốc tế đầu tiên về tế bào gốc vạn năng của con người (human pluripotent stem cells) trong điều kiện không gian.
Năm 2017, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 1 để tiến hành nghiên cứu về sự tăng sinh và biệt hóa của tế bào gốc phôi (embryonic stem cells) trên chuột.
Kết quả cho thấy môi trường vi trọng lực trong không gian cung cấp các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ba chiều và duy trì thân của tế bào gốc phôi chuột. Các tế bào gốc được nuôi cấy trong không gian cho thấy chế độ tăng trưởng ba chiều tốt hơn so với trên mặt đất và có mức độ gene đa năng cao hơn.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học nước ngoài cũng đã nhiều lần báo cáo về các nghiên cứu liên quan đến tăng trưởng tế bào gốc và tái tạo mô được thực hiện trong các sứ mệnh bay vào vũ trụ, chẳng hạn như tế bào gốc tạo máu (blood stem cells) cho các phi hành gia bị thiếu máu.
Các chuyên gia cho biết, môi trường vi trọng lực không gian độc đáo có thể là một cách mới để duy trì sự tăng sinh không phân biệt của tế bào gốc, nâng cao hiệu quả của quá trình biệt hóa cảm ứng và cải thiện mức độ xây dựng mô ba chiều. Điều này có thể có lợi hơn cho việc sử dụng tái tạo tế bào gốc trong tương lai để phục vụ sức khỏe con người.
Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV News, Lei Xiaohua - nhà nghiên cứu tại Viện Y sinh và Công nghệ của Viện Khoa học Trung Quốc - tuyên bố rằng, các phi hành gia trên tàu Thần Châu 15 đã biệt hóa thành công một tế bào gốc tạo máu tương tự như đá cuội trên quỹ đạo.
Tế bào gốc này sẽ tiếp tục trưởng thành và biệt hóa để tạo thành một nhóm tế bào gốc tạo máu giống như chùm nho.
Từ kết quả thí nghiệm, Trung Quốc đã thực hiện thành công quá trình biệt hóa tạo máu đầu tiên của tế bào gốc trong điều kiện không gian, hoàn thành mục tiêu thí nghiệm đầu tiên.
Lei cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu cần tiến hành phát hiện và phân tích toàn diện nhóm tế bào gốc tạo máu này, đồng thời sàng lọc các gene liên quan ảnh hưởng đến quá trình biệt hóa tạo máu ban đầu của tế bào gốc vạn năng trong môi trường không gian bằng cách so sánh với nhóm kiểm soát mặt đất.
Nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu về sự phát triển ba chiều của các tế bào gốc đa năng cảm ứng trong môi trường không gian, tận dụng cơ hội do tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 7 hoặc Thiên Châu 8 mang lại.
Hiện tại, nhiều tủ thí nghiệm cho các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác nhau đã được triển khai trong ba cabin của Trạm Vũ trụ Trung Quốc, hỗ trợ trạm vũ trụ thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu không gian quy mô lớn hơn và thử nghiệm công nghệ mới.
Theo Trung tâm Ứng dụng Vũ trụ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm về các thí nghiệm trên quỹ đạo của trạm vũ trụ - tủ thí nghiệm khoa học của Trạm Vũ trụ Trung Quốc về cơ bản đã được sửa lỗi và các thí nghiệm không gian khác nhau đang diễn ra có trật tự.