A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc sắp mở bán vé du lịch vũ trụ, rẻ hơn của Mỹ

Trung Quốc có khả năng bắt đầu bán vé du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo vào năm 2025, với giá từ 280.000 - 430.000 USD.

Trung Quốc sắp mở bán vé du lịch vũ trụ, rẻ hơn của Mỹ

Trung Quốc đẩy nhanh phát triển du lịch vũ trụ. Ảnh: Xinhua

Yang Yiqiang, nhà khoa học tên lửa cao cấp của Trung Quốc cho biết, lĩnh vực vũ trụ thương mại của Trung Quốc đang phát triển thuận lợi và nước này dự kiến ​​sẽ bắt đầu bán vé du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo vào năm 2025, với giá vé có thể rơi vào khoảng 2-3 triệu nhân dân tệ (286.400 - 429.600 USD).

Trước đó, công ty Mỹ Virgin Galactic do tỉ phú Richard Branson sáng lập đã công bố các chuyến đi vào không gian mở với giá 450.000 USD.

Ngành du lịch vũ trụ ở Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên 2.0 nhờ các ứng dụng và lực lượng thị trường từ kỷ nguyên 1.0 được đặc trưng bởi sản xuất cơ bản và nghiên cứu - phát triển. Yang Yiqiang - nhà khoa học tên lửa cao cấp và là người sáng lập công ty tên lửa CAS Space có trụ sở tại Bắc Kinh - nói với Hoàn cầu Thời báo rằng ngành du lịch vũ trụ Trung Quốc có khả năng sẽ bắt kịp trình độ phát triển của Mỹ trong vòng 10 năm nữa.

Bình luận được đưa ra khi các nền kinh tế lớn đang cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp vũ trụ mới nổi, với Trung Quốc và Mỹ đã phát triển một số thị trường trong lĩnh vực này. Ngày 9.9, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi các cơ quan đệ trình đề xuất uỷ quyền và giám sát các hoạt động không gian thương mại trong sáu tháng tới để duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này.

Yang cho biết, nhờ có một loạt các quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống nuôi dưỡng nhân tài cũng như sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, quy mô thị trường của ngành không gian thương mại Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 22,09% trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp vũ trụ thương mại trong nước vẫn đang ở giai đoạn "tích lũy" do quy mô tương đối nhỏ, trong khi chỉ có ít doanh nghiệp tên lửa và vệ tinh hoạt động có lãi.

Tỉ phú Richard Branson trải nghiệm trạng thái không trọng lượng trong chuyến bay thành công lên rìa vũ trụ, ngày 11.7.2021. Công ty Virgin Galactic của tỉ phú Branson đã mở bán vé du lịch vũ trụ với mức giá 450.000 USD. Ảnh: Virgin Galactic

Tỉ phú Richard Branson trải nghiệm trạng thái không trọng lượng trong chuyến bay thành công lên rìa vũ trụ, ngày 11/7/2021. Công ty Virgin Galactic của tỉ phú Branson đã mở bán vé du lịch vũ trụ với mức giá 450.000 USD. Ảnh: Virgin Galactic

Mỹ bắt đầu thúc đẩy thương mại hóa lĩnh vực vũ trụ vào những năm 1980 và ngành này tương đối trưởng thành khi SpaceX được thành lập vào năm 2002. Trong khi đó, Trung Quốc mới bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển ngành công nghiệp vũ trụ thương mại vào năm 2015, nhưng ngành công nghiệp này đã định hình sau 7 năm phát triển tốc độ cao, bao gồm nhiều lĩnh vực như phóng tên lửa, phát triển vệ tinh và thiết bị mặt đất, vận hành vệ tinh và ứng dụng vệ tinh.

Trung Quốc hiện có hơn 370 doanh nghiệp tập trung vào sản xuất vệ tinh, phóng tên lửa và các dịch vụ hạ nguồn có liên quan đến vệ tinh quỹ đạo vào năm 2021.

Trong tương lai, Yang cho rằng ngành công nghiệp vũ trụ thương mại Trung Quốc cần được thúc đẩy bởi nhu cầu thị trường và đổi mới công nghệ. Ông nói, chìa khóa cho sự phát triển lĩnh vực không gian thương mại của Trung Quốc là ứng dụng chứ không phải tên lửa hoặc vệ tinh, đồng thời lưu ý cần đảm bảo rằng những người dân bình thường có thể tiếp cận lĩnh vực này.

Ngoài việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ đáng tin cậy, các công ty vũ trụ tư nhân trong nước cần xây dựng các nền tảng thử nghiệm công cộng và gánh vác trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và phục vụ cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, cũng như cho toàn cầu, theo ông Yang.

Trung Quốc phóng module Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung, ngày 24.7.2022. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc phóng module Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung, ngày 24/7/2022. Ảnh: Tân Hoa Xã

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thị trường hàng không vũ trụ thương mại tổng thể của Trung Quốc có thể đạt 100 tỉ nhân dân tệ (14,3 tỉ USD) vào năm 2030 - Wang Yanan, tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Hoàn cầu Thời báo.

Về phát triển dài hạn, điều cốt yếu là các công ty phải làm giàu nguồn nhân lực tài năng, nâng cao công nghệ lõi và tiếp tục nâng cao năng lực của tên lửa, bao gồm khả năng tải lớn hơn và khả năng tái sử dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc bao gồm Thượng Hải, Thâm Quyến và Vũ Hán đang chạy đua để phát triển nền kinh tế không gian địa phương của riêng mình.

Vào tháng 3, Vũ Hán thông báo đã hỗ trợ các công ty hàng đầu trong ngành hàng không vũ trụ thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển, các cơ sở sản xuất và lắp ráp trong thành phố để đẩy nhanh sự phát triển của công nghiệp hàng không vũ trụ quốc gia. Theo một thông báo của chính phủ, thành phố đang cung cấp cho các công ty các ưu đãi lên tới 50 triệu nhân dân tệ cho mỗi dự án liên quan đến sản xuất vệ tinh, tên lửa và tàu vũ trụ Trung Quốc.


Tác giả: Khánh Minh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan