A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023

Căng thẳng trên thị trường bất động sản Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống còn 0,8% trong năm 2023, giảm mạnh so với mức 1,7% đưa ra hồi tháng 4.

Cảng hàng hóa ở Khu Phát triển Kinh tế Yangpu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 5/10 cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm mạnh so với dự báo trước đó, do lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và cuộc xung đột ở Ukraine gây áp lực lên các nền kinh tế trên toàn cầu.

Những căng thẳng trên thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống chỉ còn 0,8% trong năm nay, chưa bằng một nửa mức tăng 1,7% mà WTO đưa ra hồi tháng Tư.

Sang năm 2024, mức dự báo tăng trưởng được điều chỉnh là 3,3%, tăng nhẹ so với ước tính 3,2% trước đó.

WTO dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của thế giới sẽ tăng 2,6% (theo tỷ giá hối đoái thị trường) trong năm nay và 2,5% vào năm 2024.

Các lĩnh vực nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh doanh dự kiến sẽ ổn định và hồi phục khi lạm phát ở mức độ vừa phải và lãi suất bắt đầu giảm.

Dự báo của WTO không bao gồm thương mại dịch vụ, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng trong mảng này có thể khiêm tốn hơn sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực vận tải và lữ hành hồi năm ngoái.

WTO đánh giá tình trạng chùng xuống trong tăng trưởng thương mại hàng hóa có quy mô khá rộng, bao trùm nhiều quốc gia và nhiều loại hàng hóa, trong đó có một số lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh hơn như sắt, thép, thiết bị văn phòng, viễn thông và hàng dệt may.

Trong báo cáo mới nhất, WTO cho hay sự sụt giảm liên tục trong thương mại hàng hóa bắt đầu từ quý 4/2022 đã khiến các nhà kinh tế của tổ chức này phải hạ dự báo thương mại cho năm nay.

Nhà kinh tế trưởng của WTO, ông Ralph Ossa cho biết xu hướng tăng trưởng dương về khối lượng xuất-nhập khẩu vẫn kéo dài sang năm 2024, nhưng thế giới phải tiếp tục cảnh giác.

Báo cáo thừa nhận nguyên nhân chính xác của sự giảm tốc thương mại hiện chưa rõ ràng, nhưng lạm phát phi mã, lãi suất cao, đồng USD tăng giá và căng thẳng địa chính trị đều là những yếu tố góp phần vào tình trạng trên.

Tuy triển vọng thương mại năm 2024 có vẻ thuận lợi hơn, nhưng WTO vẫn cảnh báo về tác động tiêu cực từ sự chia rẽ tiềm tàng trong thương mại toàn cầu giữa hai khối địa chính trị liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala kêu gọi các nước tránh chủ nghĩa bảo hộ để góp phần củng cố khuôn khổ thương mại toàn cầu.

Bà nhấn mạnh nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, sẽ phải vật lộn để phục hồi nếu không có một hệ thống thương mại đa phương ổn định, cởi mở, dựa trên luật lệ và công bằng./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật