Ký ức thiêng liêng của người dân Quảng Bình đối với Bác Hồ
Họ không chỉ lưu giữ ký ức, mà còn góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ của dân tộc ta.
Nữ anh hùng 5 lần gặp Bác Hồ
Tại xã Phù Cảnh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), bà Nguyễn Thị Kim Huế, năm nay 86 tuổi - Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn giữ vẹn nguyên ký ức sâu sắc về 5 lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu chuyện bà kể không chỉ là kỷ niệm quý giá, mà còn là những bài học sống động, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.
Dù tuổi đã cao, song bà Huế vẫn minh mẫn, mỗi câu chuyện về những lần gặp Bác không chỉ là một kỷ niệm, mà còn là một bài học sống, hun đúc lòng yêu nước, ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Kim Huế xúc động kể lại những lần vinh dự được gặp Bác Hồ vào tháng 11/1966, tại trường Chính trị nghiệp vụ Thanh niên xung phong ở Hưng Yên, bà Huế gây ấn tượng với Bác Hồ sau ba lần kiểm tra bắn súng đều đạt điểm xuất sắc. Bác ân cần khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”.
Cuối năm đó, bà tiếp tục ra Hà Nội trong đoàn báo cáo thành tích với Bác. Lúc ấy, Bác ân cần hỏi han bà về công việc, cuộc sống, thậm chí cả chuyện con cái. Khi bà nói: “Khi nào hết giặc Mỹ, cháu mới sinh con”, Bác nhẹ nhàng căn dặn: “Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình, phải sinh con vì sự nghiệp đánh giặc Mỹ còn dài”.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Kim Huế, năm nay 86 tuổi – Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn giữ vẹn nguyên ký ức sâu sắc về 5 lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Lần thứ ba là tại Đại hội Anh hùng toàn quốc (1/2/1967), bà Huế vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, còn đơn vị của bà là Đại đội 759 được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bác gắn Huy hiệu Anh hùng lên ngực áo bà, tặng khăn quàng, đồng hồ Liên Xô và căn dặn: “Làm ra của cải phải biết tiết kiệm và bảo vệ”. Tiếp đà câu chuyện, bà Huế kể tiếp về lần thứ tư được gặp Bác Hồ, đó là tháng 7/1967, bà đại diện Thanh niên xung phong toàn quốc tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội Thanh niên. Khoảnh khắc lịch sử này đã được ghi lại và in thành hàng vạn bức ảnh lưu hành rộng rãi trên toàn quốc.
Lần cuối cùng bà được gặp Bác là dịp chuẩn bị sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong bữa cơm, Bác nhặt một hạt cơm rơi và dặn phải biết quý trọng công sức người nông dân. Khi được hỏi bởi một nhà báo quốc tế: “Dũng sĩ diệt Mỹ sao nhỏ bé thế?”, bà Huế trả lời: “Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ, chúng tôi không sợ Mỹ” – câu trả lời được Bác Hồ khen là “thông minh và đanh thép”.
Tấm gương của bà Nguyễn Thị Kim Huế không chỉ sống mãi trong ký ức của người dân Quảng Bình mà còn được lan tỏa qua nhiều chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa dành cho thanh thiếu niên tại huyện Quảng Trạch. Những buổi giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi kể chuyện, tìm hiểu về bà Huế đã trở thành kênh giáo dục trực quan sinh động, nuôi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.
“Bảo tàng sống” bên dòng sông Gianh
Ở thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, ông Nguyễn Đình Phong, một người từng là công nhân, sau này mất sức lao động đã dành hơn nửa thế kỷ để sưu tầm hơn 3.000 bức ảnh, tài liệu về Bác Hồ.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ qua đời. Nỗi xót xa thôi thúc ông bắt đầu hành trình sưu tầm, lưu giữ ký ức về Bác. Trong gian nhà nhỏ bên bờ sông Gianh, tầng 2 đã được ông Phong biến thành “bảo tàng thu nhỏ” – nơi lưu giữ ảnh, bài báo, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều anh hùng, liệt sĩ.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Phong, một người từng là công nhân, sau này mất sức lao động đã dành hơn nửa thế kỷ để sưu tầm hơn 3.000 bức ảnh, tài liệu về Bác Hồ. |
Dù không có lương hưu, điều kiện kinh tế khó khăn, ông vẫn không ngừng tìm kiếm, mua lại những tư liệu quý giá. Thậm chí có lúc mượn tiền từ lương hưu của hàng xóm là ông Nguyễn Hồng Sâm chỉ để sở hữu một bức ảnh hiếm.
Những ngày lễ lớn, ngôi nhà của ông lại nhộn nhịp người đến tham quan và tìm hiểu những tư liệu quý về Bác. Ngày 19/5 năm nay tròn 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Gianh của ông Phong lại nhộn nhịp người đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng những tấm ảnh Bác Hồ và các tư liệu lịch sử mà ông đã kỳ công sưu tập. Để thuận tiện cho việc trưng bày và phục vụ mọi người đến xem ảnh, tư liệu, ông Phong đã mua những băng vải dài 20m rồi dán, kẹp những tấm ảnh lên đó, sau đó kéo căng 2 đầu. Mỗi tranh ảnh được ông chọn lọc, sắp xếp theo từng thời điểm nhất định của dòng chảy lịch sử.
Chị Trần Thị Vân, đoàn viên xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch chia sẻ: “Kho tư liệu này là kho báu, là nơi để thế hệ trẻ đến học tập, hiểu hơn về Bác Hồ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện sống động, xúc động và đầy tự hào”.
Bộ sưu tập có tuổi đời 55 năm của ông được nhiều người biết đến. Trong những dịp lễ kỷ niệm tại địa phương, bộ sưu tập của ông được trưng bày tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trường học và lưu động nhiều nơi để giới thiệu đến với mọi người.
Từ bà Nguyễn Thị Kim Huế – nữ anh hùng từng 5 lần được gặp Bác đến ông Nguyễn Đình Phong – người dân bình dị với hơn 50 năm sưu tầm tư liệu về Người, đó là những tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nước và tình cảm sâu sắc, chân thành với Bác Hồ giữa đời thường.
Ông Nguyễn Đình Tuận, Trưởng ban Tuyên Giáo và Dân vận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, hàng năm chính quyền địa phương đều tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống với những nhân chứng sống của lịch sử, những người từng chiến đấu, đối mặt với hiểm nguy. Qua đó, các thế hệ trẻ dễ tiếp nhận giá trị lịch sử bằng cảm xúc chân thành hơn là lý thuyết khô khan. |