A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ truyền thông đặc biệt tại Khu di tích Kim Liên

Dựng phim, quay video, chụp ảnh, viết tin bài, xây dựng website, quản trị fanpage, tổ chức sự kiện, nói chuyện tuyên truyền... Đây đều là những công việc thường xuyên nhưng không chuyên và không kể giờ giấc của Tổ truyền thông đặc biệt tại Khu di tích Kim Liên.

Tổ “tác chiến” truyền thông không chuyên

Trải qua 69 năm hình thành và phát triển, công tác tuyên truyền giáo dục ở Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cũng có những bước chuyển mình để thích ứng yêu cầu mới của thời đại, góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ, phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 1/2023, Khu di tích Kim Liên thành lập một “đơn vị công tác” đặc biệt – “Tổ truyền thông” – do Giám đốc Nguyễn Bảo Tuấn làm Trưởng ban chỉ đạo. “Đơn vị” này có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Khu di tích, từ đó phát huy tốt hơn nữa giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại mới.

Các thành viên của Tổ là các cán bộ, viên chức được lựa chọn từ các phòng, ban khác nhau trong Khu di tích. Mỗi người một chuyên môn riêng nhưng có điểm chung - đều là “tay ngang” trong công tác truyền thông.

Chị Phan Thị Quý (ngoài cùng bên trái) cùng các cán bộ Khu di tích Kim Liên đón tiếp du khách đến tham quan. Ảnh: NVCC

Chị Phan Thị Quý (ngoài cùng bên trái) cùng các cán bộ Khu di tích Kim Liên đón tiếp du khách đến tham quan. Ảnh: NVCC

Chị Phan Thị Quý, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền Giáo dục kiêm Tổ trưởng Tổ truyền thông cho biết: “Khu di tích không có cán bộ chuyên trách về truyền thông. Chúng tôi là cán bộ từ các phòng, ban khác nhau trong Khu di tích được phân công kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên môn về truyền thông, cũng không có kỹ thuật, điều kiện máy móc thiết bị còn đơn giản. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mỗi người đều tự mày mò học hỏi để cố gắng làm tốt nhất trong khả năng”, chị Quý chia sẻ.

Như chị Quý tốt nghiệp Sư phạm ngoại ngữ. Hàng ngày ngoài công việc chỉ đạo công tác thuyết minh, làm lễ, đón tiếp khách, chị tranh thủ tự học hỏi thêm các kỹ năng chụp ảnh, viết tin bài, biên tập, quản trị website... Đến nay chị đã “đa zi năng” từ việc xây dựng kết hoạch truyền thông, chuẩn bị cho các sự kiện đến việc trực tiếp “tác nghiệp” tay bút, tay máy tại các sự kiện...

Nhiệm vụ đặc biệt

Theo chia sẻ của Tổ truyền thông, các hoạt động tuyên truyền về Khu di tích cần đảm bảo tính chính xác, tính thời sự, đồng thời cần sáng tạo, sống động để tạo dấu ấn thu hút sự quan tâm của nhân dân. Mỗi thành viên ngoài một chút năng khiếu riêng còn cần có “nhạy cảm chính trị” và sự linh hoạt khi tác nghiệp.

“Điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, chúng tôi cố gắng phát huy hết các nguồn lực có thể huy động được. Ví dụ, thiếu flycam để ghi hình các sự kiện tại Khu di tích thì chúng tôi xin tư liệu từ các báo, đài để làm nguồn tư liệu. Không chỉ các thành viên Tổ truyền thông cố gắng tác nghiệp nhanh, chính xác, tập thể cán bộ cơ quan đều chung tay lan tỏa, chia sẻ các bài viết, hình ảnh về Khu di tích với tinh thần mỗi người là một đại sứ của Khu di tích”.

Chị Phan Thị Quý thuyết minh tại Khu di tích. Ảnh: NVCC

Chị Phan Thị Quý thuyết minh tại Khu di tích. Ảnh: NVCC

Các hoạt động truyền thông rất đa dạng, từ thuyết minh trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi về Bác Hồ.... Những năm gần đây, các kênh tuyên truyền online được đẩy mạnh, tăng cường cập nhật thông tin về Khu di tích và tăng cường kết nối với nhân dân.

“Mỗi năm Khu di tích Kim Liên đón 1,7 - 2 triệu lượt khách, trung bình mỗi ngày đón hàng trăm đoàn, cao điểm có ngày lên đến hàng nghìn đoàn. Tất cả cán bộ Khu di tích đều căng mình làm việc hết công suất không kể ngày lễ, Tết. Các thành viên Tổ truyền thông cũng phải hoàn thành những công việc chuyên môn, người thuyết minh, người đón tiếp khách, người làm công tác bảo quản... Nhiều khi phải đến tối mới có thời gian nghiên cứu làm công tác truyền thông. Nhưng mọi người đều làm hăng say với tinh thần xung kích, trách nhiệm với mong muốn lan tỏa tốt nhất giá trị di sản của Bác Hồ và gia đình, quê hương”, chị Quý chia sẻ.

Hậu trường những thước phim “đặc sản”

Một “đặc sản” truyền thông tại Khu di tích Kim Liên những năm gần đây là các phim triển lãm online như: “Thành phố Hồ Chí Minh nghĩa tình trong hợp tác và phát triển”, “Bà Hoàng Thị Loan một đóa sen đời”, “Âm vang Điện Biên”, “Di chúc Bác Hồ ngọn đuốc soi đường”... Nhiều phim được đánh giá cao, góp phần vào các giải thưởng của Khu di tích Kim Liên trong công tác tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tác giả của các thước phim không chuyên nhưng rất được người dân yêu thích nói trên là anh Nguyễn Đức Hùng, cán bộ Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản và Trưng bày. Công tác tại Khu di tích từ năm 2005, ngoài công việc chuyên môn, anh còn kiêm công việc tại Trung tâm dữ liệu: quay phim, chụp ảnh, lưu trữ tư liệu liên quan đến Bác Hồ, các đoàn cấp cao về thăm quê Bác.... Khi Tổ truyền thông thành lập, anh Hùng được “triệu tập” với nhiệm vụ chính là dựng các phim triển lãm online, quản trị, đăng bài trên fanpage, làm clip cho Phòng Tuyên truyền và Giáo dục đi nói chuyện chuyên đề về di tích, về Bác Hồ...

Anh Nguyễn Đức Hùng, tác giả của các thước phim triển lãm online tại Khu di tích Kim Liên.

Anh Nguyễn Đức Hùng, tác giả của các thước phim triển lãm online tại Khu di tích Kim Liên.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, anh Hùng cũng phải tự mày mò học về kỹ thuật quay dựng... Anh kể: “Đó là quá trình cực kỳ vất vả, khó khăn đối với tôi khi không phải chuyên ngành. Từ một người không biết gì về phim ảnh, phần mềm, máy móc kỹ thuật, tôi phải tự học, tự mày mò, trong khi thời gian thì hạn hẹp. Nhưng vì công việc yêu cầu và đam mê của cá nhân, tôi cũng dần dần làm chủ được các kỹ thuật để phục vụ công việc”.

Anh cho biết đã tập dựng phim từ năm 2010 nhưng phải nhiều năm sau mới có những thước phim “xem được”. Từ nội dung và chất liệu của các triển lãm trực tiếp, anh Hùng nắm bắt và chuyển tải “cái hồn” triển lãm, khai thác thêm tư liệu để cho ra đời các thước phim.

Khó có thể kể hết những vất vả thầm lặng của công việc dựng phim này. Thời gian đầu để hoàn thành một phim chưa đầy 10 phút, anh Hùng “vật vã” mất gần một tháng, phần vì chưa có tay nghề, phần vì thiếu máy móc trang thiết bị. Nay đã có nghề hơn nhưng mỗi tác phẩm đều cần anh Hùng dày công tỉ mỉ từ hình thành ý tưởng, viết kịch bản, dựng tiếng, dựng hình, tìm kiếm tài liệu...

“Tôi cho rằng các thước phim là một trong những hình thức tuyên truyền trực quan sống động nhất và dễ tác động đến người xem nhất. Tôi và các bạn đọc lời bình luôn động viên nhau nỗ lực làm tốt nhất có thể vì lợi ích chung, làm sao thể hiện được “chất riêng” của Khu di tích Kim Liên, đưa đến cho mọi người những góc tiếp cận chính xác, gần gũi, dễ hiểu nhất góp phần tuyên truyền giá trị chung về Bác Hồ tới người dân và du khách bốn phương”, anh Hùng chia sẻ.

Công việc chuyên môn hàng ngày của anh Nguyễn Đức Hùng là bảo quản di tích.

Công việc chuyên môn hàng ngày của anh Nguyễn Đức Hùng là bảo quản di tích.

Anh Hùng, chị Quý là 2 trong số 9 thành viên hiện nay của Tổ truyền thông tại Khu di tích. Công việc không chuyên, không kể giờ giấc, không chế độ đặc thù, nhưng các thành viên đều không quản vất vả, nhiệt tình cống hiến. Ngoài trách nhiệm công việc, mỗi người đều mang trong mình niềm vinh dự được góp phần xây dựng cầu nối ngày càng gần gũi, ấn tượng hơn giữa Khu di tích Kim Liên và nhân dân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị di sản và tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tác giả: Tuyết Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật