A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học 2023

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7 là thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có gần 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống, chiếm gần 40% thí sinh dự thi năm nay.

thi-sinh-2023-705.jpg (840×560)

Không nên dồn hết nguyện vọng vào trường tốp đầu

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 được giữ cơ bản như năm 2022, tuy nhiên có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để tạo thuận lợi, cũng như tăng cơ hội cho thí sinh nhiều hơn.

Theo đó, từ năm 2023, quy chế áp dụng điểm ưu tiên về khu vực và đối tượng. Đối với điểm ưu tiên về khu vực, thí sinh sẽ được áp dụng trong 2 năm liên tiếp: năm thi tốt nghiệp THPT và năm tiếp theo. Với điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực, xét trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ. Nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các em sẽ giảm dần theo tuyến tính. Như vậy, những thí sinh đã đạt 30 điểm sẽ không cần cộng điểm ưu tiên.

Về cách đăng ký nguyện vọng, năm 2023, thí sinh không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần đăng ký vào trường, ngành mà mình mong muốn. Tuy các em không phải lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển nhưng phải nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học, của ngành học mà mình mong muốn trúng tuyển vào. Bởi các trường phải có xét tuyển bằng tổ hợp, phương thức mà thí sinh có dữ liệu kết quả thì mới đăng ký vào. Nếu thí sinh mong muốn vào trường, nhưng đơn vị đó không xét tuyển trên dữ liệu thí sinh đang có thì cũng là lựa chọn sai lầm.

Bà Thủy lưu ý thí sinh nên tranh thủ đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ sớm, không nên đợi đến ngày cuối mới đăng ký vì dễ bị nghẽn mạng. Thí sinh cũng không nên đăng ký quá ít nguyện vọng hoặc quá nhiều nguyện vọng. Hiện trên hệ thống có tới 72.000 thí sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng nhưng có thí sinh đăng ký hơn 100 nguyện vọng. Để phòng, chống rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường tốp cao.

Trước đó, tại buổi giao lưu trực tuyến Tư vấn tuyển sinh 2023 với chủ đề: “Bắt trúng nguyện vọng, chọn đúng tương lai” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, nếu thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Nếu không đăng ký, thí sinh sẽ lỡ cơ hội vì chưa trúng tuyển chính thức.

Khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường mà thôi. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.

Khi thí sinh đã thực sự yêu thích ngành đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh có thể đặt kết quả này lên nguyện vọng 1, chắc chắn các em sẽ đỗ vào nguyện vọng này. Đồng thời, các trường luôn truyền thông, khuyến cáo rằng nếu thí sinh muốn chắc chắn đỗ thì đặt nguyện vọng 1. Đây chỉ là lời khuyến khích các em, không mang tính chất bắt buộc.

Cần chọn nhóm ngành phù hợp năng lực

Sau khi biết điểm thi và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang phổ điểm năm nay có tác động gì tới điểm chuẩn vào các trường đại học?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa một hệ thống giáo dục trực tuyến cho biết, trước đây, đa số các trường đại học tuyển sinh chủ yếu bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi đó phổ điểm thi sẽ phản ánh rất nhiều về điểm chuẩn và thí sinh thường căn cứ vào đó để đặt nguyện vọng.

Nhưng hai năm lại đây, phương thức tuyển sinh của các trường đại học đa dạng hơn rất nhiều. Vậy nên, thông tin từ phổ điểm chỉ mang tính tham khảo. Theo đó, phổ điểm năm 2023 có tăng giảm nhất định ở một số khối thi. Ví dụ như phổ điểm khối A có phần giảm hơn một chút so với năm 2022. Hay khối C, A1 cũng có sự giảm nhẹ; trong khi đó khối B tăng nhẹ; khối D giữ tương đối ổn định.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, để có thể lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng hiệu quả nhất, thí sinh cần làm trước tiên là chọn được nhóm ngành phù hợp với năng lực của mình. Đây là vấn đề quan trọng nhất.

Thông thường, thí sinh thấy mức điểm của mình phù hợp với khoảng trường nào, ngành nào thì sẽ đăng ký, ngay cả khi bản thân cũng không quá mặn mà tìm hiểu về các ngành, các trường đó. Vì thế, sau này vào học trong trường, có thêm những trải nghiệm và hiểu rõ hơn về nghề, các bạn có thể có những suy nghĩ tiêu cực hoặc cảm thấy không phù hợp.

Do đó, từ phổ điểm, thí sinh nên chia nguyện vọng (là các mã ngành đã lựa chọn) thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những nguyện vọng mà điểm chuẩn năm trước cao hơn khoảng 1 - 1,5 điểm so với mức điểm thực tế em đang có. Đó là những ngành có thể em thực sự yêu thích, nhưng cơ hội vẫn còn tương đối mong manh. Nhóm thứ hai là những nguyện vọng có thể sẽ dao động cộng trừ 0,5 điểm giữa điểm chuẩn năm trước so với mức điểm em đang có. Đây là những nhóm ngành mà cơ hội trúng tuyển của em tương đối cao. Nhóm thứ ba là những ngành thấp hơn so với điểm xét tuyển của em khoảng 1,5 - 2 điểm, những nguyện vọng mà độ an toàn, độ chắc chắn sẽ cao hơn.

Tất nhiên, dù xếp ở nhóm nào, đó đều phải là những ngành mà các em cảm thấy thoải mái nếu trúng tuyển, tránh tình trạng thí sinh “bằng mọi giá” để đỗ, nhưng khi đỗ rồi lại hụt hẫng, không muốn đi học thì không nên. Đơn cử, những năm gần đây, phần lớn thí sinh có xu hướng tập trung nguyện vọng vào các nhóm ngành liên quan đến Công nghệ thông tin nói chung và các ngành liên quan đến Kinh tế. Hai nhóm ngành này thường có mức điểm cao hơn so với các ngành khác. Nếu thí sinh ở mức điểm thấp hơn nhóm ngành này thì nên cân nhắc những nhóm ngành thực tế hơn, phù hợp với điểm thi của mình. Thực tế, một số nhóm ngành xã hội có nhu cầu rất lớn như Khoa học kỹ thuật hay Nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản nhưng nhiều thí sinh lại thờ ơ…

Thầy Ngọc cho rằng, thành công trong cuộc sống không hẳn từ điểm số của thí sinh ngày hôm nay, bởi không phải cứ học trường đại học tốp đầu thì sẽ thành công và học trường tốp dưới không thể thành công.

Trả lời câu hỏi có được bảo lưu kết quả trúng tuyển đợt 1 (kết thúc lọc ảo của Bộ GD&ĐT) hay không, bà Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT) cho biết: Thí sinh muốn bảo lưu kết quả trúng tuyển phải đáp ứng một trong số những điều kiện như phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển. Nếu không xác nhận, thí sinh được xem như đã từ chối nhập học, trường sẽ tuyển trường hợp khác. Sau khi đăng ký nhập học, thí sinh phải học ít nhất một học kỳ, sau đó trình bày với trường lý do cần tạm ngưng và trường có thể cho phép thí sinh bảo lưu kết quả.

Trường hợp thứ hai - thí sinh chưa chính thức học tập nhưng phải đi nghĩa vụ quân sự. Thí sinh được quyền bảo lưu đến khi hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi theo học. Trường hợp thứ ba có lý do đau ốm và có xác nhận của cơ quan chuyên môn thì cũng có thể được trường cho phép bảo lưu kết quả. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt. Vì thế, việc bảo lưu kết quả trúng tuyển là có thể được, nhưng cần đúng quy định chứ không phải ai cũng bảo lưu kết quả để đi học thử nơi khác, bà Thủy lưu ý.


Tác giả: Uyên Na
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật