Mới có 113/200 triệu tài khoản đối chiếu hồ sơ sinh trắc học
Đó là thông tin được ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng nhà nước) đưa ra tại cuộc họp báo công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025.
Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng được tổ chức vào 29/5
Ngày 26/5/2025, Ngân hàng nhà nước đã họp báo công bố sự kiện “Chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2025”. Theo đó sự kiện “Chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2025” sẽ được tổ chức vào ngày 29/5/2025 tại Văn phòng Chính phủ.
Tại sự kiện này, các diễn giả sẽ trình bày các tham luận tập trung vào những thành tựu trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, về kết nối, chia sẻ dữ liệu mở và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu liên ngành, về những giải pháp hướng tới xây dựng một hệ sinh thái tài chính số thông minh, linh hoạt và bền vững, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới. Đồng thời, sự kiện còn có triển lãm trưng bày những sản phẩm dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng với 19 gian hàng của các NHTM, công ty trung gian thanh toán, các công ty cung ứng giải pháp chuyển đổi số trong nước...
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), sau 4 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
NHNN không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tích cực.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng. NHNN cũng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan triển khai các biện pháp trong đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng; tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của thanh toán số.
Tăng cường các biện pháp hạn chế tối đa lừa đảo giao dịch
Tại họp báo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN ý thức được tội phạm trên không gian mạng ngày càng gia tăng với diễn biến khó lường, khi ngành ứng dụng công nghệ cao thì tội phạm cũng sẽ có những ứng dụng được để lừa đảo. Do đó, NHNN thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bảo mật, đưa ra các quy định chặt chẽ để đảm bảo bảo mật, an toàn hơn cho khách hàng.
Thông tư 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã quy định về mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, có đầy đủ thông tin sinh trắc học mới cho phép thực hiện giao dịch online cho cả thẻ, ví lẫn tài khoản ngân hàng.
Từ ngày 1/9/2025 sẽ tăng cường siết thêm tài khoản của các tổ chức khi yêu cầu các tổ chức phải trực tiếp đến các phòng giao dịch khi mở tài khoản. Việc thu thập thông tin sinh trắc học của tất cả các tài khoản để đảm bảo tài khoản là giao dịch chính chủ.
NHNN dự định sẽ sửa quy định giao dịch với tài khoản của tổ chức mới thành lập 6 hoặc 9 tháng. Theo đó, các tài khoản này, khi thực hiện giao dịch online phải đối chiếu sinh trắc học như khách hàng cá nhân. Các tổ chức buộc phải thực hiện yêu cầu này sẽ tập trung vào các tài khoản tổ chức nhưng hoạt động như hộ kinh doanh cá thể. Ông Tuấn nhấn mạnh “vì thời gian qua, có hiện tượng các tội phạm chuyển hướng sang mở tài khoản tổ chức để lách chuyện sinh trắc học ở tài khoản cá nhân”.
Đáng chú ý, ông Tuấn cho biết, hiện có khoảng trên 200 triệu tài khoản cá nhân nhưng chỉ có 113 triệu hồ sơ tài khoản được đối chiếu thông tin sinh trắc học. Theo ông Tuấn dự đoán, những tài khoản không cung cấp có thể là “tài khoản chết, tài khoản ngủ đông” hoặc là tài khoản lừa đảo, gian lận đã được mở trong thời gian qua nhưng không thể hợp thức được. Thời gian tới NHNN sẽ có biện pháp với các tài khoản này, hạn chế tối đa chuyện các tài khoản này “ngủ chờ thời” có thể để quay lại lừa đảo.
Ngoài ra, NHNN sẽ tăng cường các biện pháp hạn chế tối đa việc người dân bị lừa đảo khi giao dịch online. Như đang đang xây dựng kho dữ liệu về tài khoản gian lận, sẽ sớm công bố. Hiện đã thực hiện thí điểm tại BIDV từ ngày 1/4/2025, đến nay đã có trên 100 tỷ đồng được giữ lại thông qua cảnh báo tài khoản gian lận. Tiếp theo một số ngân hàng cũng sẽ sớm triển khai cảnh báo tài khoản gian lận khi khách hàng chuyển tiền như ngày 30/6 Vietcombank sẽ triển khai tiếp dịch vụ này. Tháng 7 sẽ có thêm Vietinbank và MB (cùng vào ngày 4/7), ngày 20/7 Agribank cũng vào cuộc. “Các khách hàng có thể nhận được cảnh báo tài khoản nghi ngờ có gian lận do có ngân hàng khác cảnh báo nhưng khách hàng sẽ quyết định có tiếp tục giao dịch hay không” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Dự kiến, trong năm 2025 sẽ triển khai toàn ngành. Và danh sách nghi ngờ gian lận cũng sẽ được cập nhật thường xuyên trạng thái, kể cả việc rà soát để đưa ra khỏi danh sách những tài khoản đã “hết dấu hiệu nghi ngờ”.