A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn hành vi bôi bẩn phố phường

Một số hình vẽ theo phong cách Graffiti được cho là nghệ thuật, thế nhưng nếu vẽ nơi công cộng, có thể sẽ bị phạt hành chính theo các quy định hiện hành.

Ngăn chặn hành vi bôi bẩn phố phường

Tàu Metro số 1 trong depot Long Bình bị vẽ bậy vào cuối tháng 4.2023.Ảnh: Minh Quân

TPHCM đang lên một kế hoạch lớn nhằm sửa chữa, sơn lại một số công trình bị vẽ bậy, vẽ bẩn trong thời gian qua.

Nhiều cầu đường lớn tại TPHCM đang được sơn chỉnh trang bằng loại sơn có chức năng chống dính, dễ dàng tẩy xóa khi bị vẽ bậy. Các công trình nằm trong quy mô dự án sẽ lần lượt được tẩy xóa hình vẽ bậy (phần lớn là hình vẽ theo kiểu graffiti), sơn phủ lớp sơn trắng bóng nhằm đảm bảo điều kiện khai thác bình thường của công trình và mỹ quan đô thị.

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tại TPHCM cho hay sau khi hoàn thành lớp sơn chỉnh trang, các công trình trên sẽ được sơn thêm lớp chống dính phủ lên bề mặt. Vì vậy, khi các công trình bị vẽ bậy, vấy bẩn sẽ dễ dàng khắc phục và có thể dùng khăn ướt hoặc máy xịt nước tẩy xóa.

Giai đoạn đầu, loạt cầu đường lớn được sửa chữa và sơn chỉnh trang, chống vẽ bậy bao gồm: Cầu Bùi Hữu Nghĩa, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Trường Sa, hầm chui Văn Thánh (phía cầu Sài Gòn), hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm, hầm chui dưới cầu Bình Triệu, cầu Công Lý, hầm chui Điện Biên Phủ trên đường Hoàng Sa, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Khánh Hội, cầu Nguyễn Tri Phương. Hiện các công nhân đang tẩy xóa hàng loạt hình vẽ bậy.

TPHCM từng rất đau đầu với nạn vẽ bẩn, vẽ bậy. Trong các năm 2022, 2023 hàng loạt toa tàu của tuyến Metro bị vẽ bẩn khiến dư luận bức xúc.

Tháng 6.2024 Công an phường Bến Thành (quận 1, TPHCM) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông R.C.J. (28 tuổi, quốc tịch New Zealand) về hành vi vẽ bậy trên cửa căn nhà dân. Công an phường Bến Thành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt 1,5 triệu đồng đối với ông J về hành vi “Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng...”.

Đồng thời, lực lượng chức năng buộc ông J khắc phục hậu quả bằng cách sơn lại cánh cửa. Quy định về hành vi vẽ bậy, vẽ bẩn hiện nay vẫn được cho là thiếu tính răn đe.

Tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm về trật tự công cộng đã nêu rõ “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Mức phạt này có thể sẽ còn cao hơn nữa, trong trường hợp tài sản bị ảnh hưởng là công trình trọng điểm quốc gia, hoặc di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa với xã hội.

Việc TPHCM và các đô thị lên kế hoạch chống vẽ bẩn, vẽ bậy là cần thiết song chế tài cho việc này cần phải nặng hơn, thậm chí ở một số công trình văn hóa, trọng điểm cần camera giám sát để phạt nguội thì mới ngăn chặn được hành vi bôi bẩn phố phường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan