A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hư về những điều kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch

Dân gian Việt Nam thường quan niệm, tháng 7 âm lịch là thời gian mọi người cần kiêng kỵ nhiều điều để tránh chuyện không may mắn.

Tháng 7 âm lịch bắt đầu từ ngày 1.7 đến hết ngày âm lịch cuối cùng của tháng. Trong năm 2024, tháng "cô hồn" kéo dài từ 4.8 đến hết ngày 2.9 (dương lịch).

Dân gian Việt Nam quan niệm, đây là tháng của ma quỷ, những điềm xấu, không may mắn cũng thường xuất hiện. Vì vậy, đây là khoảng thời gian không tốt nếu mọi người thực hiện những hoạt động như cưới hỏi, mua sắm, khai trương.

Lí giải về điều này, ngoài khía cạnh tâm linh, ông Phạm Gia Ngọc - nguyên Trưởng Ban văn hóa xã hội phường Phương Liên, thành viên ban quản lý di tích đền Kim Liên - cho biết thêm: "Tháng 7 thường mưa nhiều. Khi đó, những người làm nghề buôn bán làm ăn khó khăn hơn hoặc gặp trục trặc khiến hoạt động thương mại thường ít diễn ra".

Người Việt có phong tục cúng "cô hồn" kéo dài một tháng nhưng thường sẽ tập trung vào các ngày mùng 2, 15, 16 tháng 7 âm lịch, một số nơi cúng sớm hơn hoặc trễ hơn nhưng đều cúng vào buổi chiều tối.

Người dân các nước châu Á có phong tục cúng cô hồn. Ảnh: Khmer Times Theo dân gian quan niệm, tháng 7 còn gọi là tháng cô hồn. Ảnh: LDO

Theo dân gian quan niệm, tháng 7 còn gọi là tháng "cô hồn", phải kiêng kỵ nhiều thứ. Ảnh: LDO

Bên cạnh đó, trong dân gian còn lưu truyền nhiều điều cấm kị như không treo chuông gió ở đầu giường, không đi chơi đêm, mua quần áo... mà phải tập trung lễ bái, hóa vàng cho người âm.

"Người dân không nên mê tín quá. Mọi người nên đi lễ chùa, cúng bái gia tiên ở nhà. Mọi thứ cần hài hòa vừa phải, tránh tốn kém, lãng phí. Chủ yếu là cái tâm của con người.

Người dân hay quan niệm, trần có gì dưới âm cần đó nhưng không phải. Chúng ta nên thể hiện rõ thái độ tốt, tâm của mình trong tháng này. Đi đền, chùa, đình, đền miếu để cúng bái thành tâm", ông Phạm Gia Ngọc cho biết.

Người dân đi đền, chùa lễ bái, hạn chế đốt vàng mã. Ảnh: Lê Tuyến

Người dân đi đền, chùa lễ bái, hạn chế đốt vàng mã. Ảnh: Lê Tuyến

Hiện nay, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền, việc cúng bài cũng như kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cũng từ đây, những biến tướng trong quan niệm đã xuất hiện. Lợi dụng lòng tin của người dân, một số thành phần đã trục lợi bằng những hình thức, chiêu trò mê tín dị đoan.

Ông Phạm Gia Ngọc khẳng định, đây là điều đáng lên án: "Mâm cao cỗ đầy không chứng minh được tâm của người dâng lễ hay lòng thành kính của người con đối với cha mẹ. Kẻ xấu hay lợi dụng quan niệm, tư tưởng chưa thông suốt của nhiều người, nhiều gia đình, cho rằng gia đình có vận hạn cần giải trong tháng 7 âm lịch, từ đó yêu cầu lễ đắt đỏ, nhiều chi phí. Người dân nhẹ dạ cả tin sẽ đến đền miếu để làm lễ lớn nhưng "tiền mất tật mang".

Trước đây, tại các đền, trong đó bao gồm cả đền Kim Liên, có nhiều người đến nhờ cầu hộ (khóc thuê, khóc mướn), nhưng ban quản lí đền đã kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, những người tới đây chỉ có người thành tâm hành hương đi lễ nên tình trạng trên không còn xuất hiện".

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan