A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghỉ Tết Nguyên đán: Sao không cố định như nghỉ lễ 30/4 hay 2/9 mà cứ phải xin ý kiến?

Có chuyên gia đồng thuận với việc xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội về nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên có chuyên gia cho rằng việc xin ý kiến là hình thức và không cần thiết

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến bộ ngành về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cả 2 phương án đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ.

Nghỉ Tết Nguyên đán: Sao không cố định như nghỉ lễ 30-4 hay 2-9 mà cứ phải xin ý kiến? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tặng quà Tết cho công nhân về quê

Phương án 1, nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Phương án 2, nghỉ từ ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Bộ LĐ-TB-XH chọn phương án 1.

Đối với người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp, căn cứ vào điều kiện thực tế và lịch nghỉ đối với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Nguyên đán như sau: Lựa chọn 1 ngày trước Tết và 4 ngày đầu sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày đầu sau Tết, hoặc 3 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết. Đồng thời thông báo phương án nghỉ Tết cho NLĐ trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), cho rằng nghỉ Tết là giai đoạn để NLĐ về thăm quê, nghỉ ngơi, phục hồi sức khoẻ cũng như giải quyết "sự riêng tư" của cá nhân, đặc biệt là lao động di cư.

Theo ông Lộc, lịch nghỉ Tết nên quy định cố định trong một khoảng thời gian nhất định, như lịch nghỉ Lễ 30-4 hay 2-9, để doanh nghiệp và NLĐ biết rõ hàng năm, đến Tết nguyên đán là được nghỉ từng đó ngày, từ đó họ sắp xếp sản xuất, sắp xếp thời gian, công việc để nghỉ về thăm gia đình, người thân.

Ví dụ, hàng năm sẽ được nghỉ Tết  7,9 hay 10 ngày - con số cụ thể thì chúng ta phải bàn, nhưng về phương án nghỉ, giả sử mùng 5 Tết chúng ta đi làm, thì tính ngược trở lại, ngày nghỉ sẽ là ngày đầu tiên tính theo số ngày nghỉ mà cơ quan quản lý cho phép. Căn cứ vào số ngày nghỉ đã ấn định, cơ quan quản lý lên lịch và thông báo ngay từ đầu năm "chứ không cần phải xin ý kiến, xin phép hay thông báo nghỉ Tết".

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, thông báo nghỉ Tết không phải là việc gì lớn để hàng năm chúng ta phải mang ra thảo luận và bàn, để cả xã hội phải chờ. "Điều này thể hiện chúng ta không có tư duy thiết kế cho kế hoạch từ xa. Sao chúng ta không đưa ra lịch nghỉ Tết ngay từ đầu năm, thay vì quý 3, quý 4 mới đưa ra bàn?"- ông Lộc nêu vấn đề.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cũng đánh giá việc đưa ra các phương án nghỉ Tết từ ngày 28 hay 29, thậm chí là 30 tháng Chạp là không khả thi bởi "tầm đó ai còn tâm trí mà làm việc". "Chúng ta tạo ra quy định mà người ta không tuân thủ, cũng trở nên vô ích"- ông nói.

Trong khi đó, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng khó thực hiện lịch nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm cố định như lịch khai giảng của học sinh, nhưng việc phải xin ý kiến các bộ, ngành lịch nghỉ Tết như hiện nay là hình thức, không cần thiết. "Khi lấy ý kiến thì bộ này có ý kiến thế này, ngành kia lại cói ý kiến khác, rất khó tập trung" - ông Phạm Minh Huân nói.

Theo ông Huân, Điều 112 Bộ Luật Lao động quy định hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh.

"Chính phủ nên đưa ra nguyên tắc chung về nghỉ Tết để lựa chọn. Bộ LĐ-TB-XH căn cứ vào đó xây dựng phương án rồi báo cáo chính phủ và công bố sớm lịch nghỉ Tết hàng năm" - ông Huân bày tỏ.

Chuyên gia Phạm Minh Huân lưu ý nguyên tắc này cần đảm bảo đúng luật và thực hiện các ngày nghỉ liền kề, hoán đổi theo quy định. Nếu có ngày làm việc xen kẽ giữa nghỉ Tết và cuối tuần thì cho nghỉ luôn và làm bù vào tuần kế tiếp.

Ở góc nhìn khác, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội - PV), cho rằng việc Bộ LĐ-TB-XH xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội về phương án nghỉ Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Chính phủ là "không có vấn đề gì" và là việc nên làm.

Theo ông Lợi, trong những ngày nghỉ Tết theo quy định, xen kẽ có những ngày nghỉ hàng tuần (Thứ Bảy, Chủ Nhật) hoặc những ngày làm việc, nên phải đưa ra các phương án khác nhau để xin ý kiến các bộ ngành, hiệp hội, vì có tác động lớn, nhằm lựa chọn phương án phù hợp, hài hoà nhất, tối ưu nhất, có lợi cho NLĐ, phù hợp với đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

"Tự mình quyết phương án, có thể sẽ gây ra những phản ứng khi chính sách được ban hành. Phương án nghỉ Tết năm nay có thể là tối ưu, nhưng sang năm áp dụng chưa chắc đã tốt hay đã phù hợp. Vì vậy, phương án nghỉ Tết phải linh hoạt theo từng năm, căn cứ tình hình thực tế, không thể cố định hay áp dụng lâu dài một phương án nghỉ Tết" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Trong văn bản trả lời, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 mà Bộ LĐ-TB-XH lựa chọn, theo đó thời gian nghỉ kéo dài 7 ngày (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật