A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân dùng căn cước công dân tích hợp BHYT ở Kiên Giang còn thấp

Việc áp dụng khám chữa bệnh (KCB) bằng căn cước công dân (CCCD) mang nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cơ sở KCB nhưng số lượng người dùng ứng dụng này vẫn còn khá thấp ở Kiên Giang.

Người dân dùng căn cước công dân tích hợp BHYT ở Kiên Giang còn thấp

Căn cước công dân tích hợp đầy đủ thông tin về mã thẻ, số thẻ BHYT rất tiện lợi cho người dân khám chữa bệnh. Ảnh: Nguyên Anh

Thông tin chưa đồng bộ

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Kiên Giang, việc áp dụng KCB bằng CCCD là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính trong ngành y tế và BHXH. Thay vì tốn thời gian làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB chuyên sâu.

Đến cuối tháng 9.2023, BHXH tỉnh đã phối hợp với công an tỉnh và các ban, ngành đồng bộ thông tin được hơn 1,3 triệu người đạt hơn 94%. Ngành BHXH đã tiếp tục đẩy mạnh thí điểm sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT. Đến nay số lượng cơ sở khám chữa bệnh có CCCD là 183/186 cơ sở đã được tra cứu. Tuy nhiên, chỉ khoảng gần 50% cơ sở có trang bị đầu đọc mới nên ảnh hưởng cho công tác tra cứu.

Bác sĩ CKII Trương Công Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang - cho biết, bệnh viện đã trang bị 8 đầu đọc thẻ CCCD ở những nơi bệnh nhân đến tập trung khám đông như phòng khám bệnh, Khoa Nội B, Khoa Cấp cứu tổng hợp...

Theo BS Thành, nếu CCCD tích hợp đầy đủ thông tin về mã thẻ, số thẻ BHYT thì rất tiện lợi cho người dân KCB. Quét mã thông tin trên CCCD thì nội dung thông tin được chuyển đến phần mềm của bệnh viện để ghi thông tin, mức hưởng của người bệnh, giảm bớt thủ tục cho người dân. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2023 thì số người sử dụng CCCD để đăng ký KCB thành công có khoảng hơn 6.900 lượt người vẫn còn khá thấp.

“Thực tế, nhiều người dân đến KCB đưa CCCD và nghĩ là chỉ cần có CCCD là sử dụng được nhưng họ chưa tích hợp BHYT thì không thể dùng ứng dụng này. Ngoài ra, vấn đề đầu đọc, các khâu trong CNTT chưa đồng bộ nên khi phối hợp với cơ quan BHXH chỉnh sửa thì lại kéo dài thời gian KCB, thời gian chờ đợi cũng gây phần nào đó phiền hà cho người dân, khiến một số trường hợp cũng chưa đồng thuận sử dụng” - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết.

Đến cuối năm 2023 đạt 100% đồng bộ dữ liệu

Về bất cập trong tích hợp thông tin, theo BHXH tỉnh Kiên Giang, có những trường hợp người dân chỉ cung cấp năm sinh, không có ngày tháng trên thẻ BHYT. Tuy nhiên, trong CCCD lại có ngày tháng năm sinh đầy đủ dẫn đến thông tin chưa đồng bộ, từ đó người dân phải liên hệ BHXH xác nhận lại thông tin để đồng bộ lại dữ liệu này thì mới tích hợp sử dụng được.

Ông Nguyễn Công Chánh - Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Thời gian đầu chúng tôi cử người ngồi trực tiếp ở bệnh viện để thu thập các trường hợp sai thông tin chuyển về BHXH để chỉnh sửa ngay. Vấn đề này rất cần người dân chủ động liên hệ BHXH tỉnh để cập nhật đồng bộ thông tin cho đúng”.

Ngoài ra, ông Chánh cũng thông tin, còn khó khăn do chưa cập nhật được thông tin, đặc biệt là nhóm trẻ em. “Trẻ em được cấp mã số, sau đó cần phải về công an địa phương đăng ký lại về nơi cư trú thì thông tin đó không nắm được. Thứ 2 là nhóm người cao tuổi liên hệ lại để đồng bộ thông tin thì rất hạn chế, khó di chuyển. Hiện nay xảy ra lừa đảo rất nhiều nên khi liên hệ để nhờ cung cấp thông tin họ rất e dè, sợ bị lừa đảo nên cũng không cung cấp, không đến” - ông Chánh chia sẻ.

“BHXH đặt mục tiêu trước 31.12.2023 phải đồng bộ dữ liệu đạt 100%. Để tăng cường sử dụng CCCD khám chữa bệnh BHYT phải trang bị đầu đọc cho các cơ sở để người dân đến khám thấy và tin tưởng hơn, an tâm hơn về chủ trương thực hiện. Phân công nhân lực phối hợp ngành giáo dục để nắm số liệu thông tin, phối hợp công an cập nhật số trẻ em có mã số mà chưa đồng bộ” - ông Chánh cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật