A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng các môi trường không khói thuốc

Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”, nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Xây dựng thành công nhiều môi trường công cộng không khói thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Nhân rộng các môi trường không khói thuốc

Các khuôn viên Bệnh viện đều treo biển "cấm hút thuốc lá"

Việc sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Tại Việt Nam, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, sau 7 năm thực hiện, đến nay cũng đã phát huy hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Môi trường không khói thuốc đã được thực hiện khá nghiêm túc ở nhiều điểm công cộng, nhất là ở bệnh viện, trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng các đợt kiểm tra, thanh tra và số tiền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: "So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà".

Nhiều nhà hàng, quán cafe vẫn "chìm" trong khói thuốc

Mặc dù đã có nhiều địa điểm công cộng thực hiện triệt để việc cấm hút thuốc lá nhưng tại các nhà hàng, quán cafe vẫn còn xảy ra tình trạng khách hàng hút thuốc.

Tại các quán cà phê, tỷ lệ người hút thuốc lá còn khá đông. Tâm lý nhiều người cho rằng thuốc lá kết hợp với vị đậm đà của cà phê thực sự làm sảng khoái tinh thần. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác cá nhân của mỗi người vì họ vẫn biết đến những tác hại của thuốc lá. Dường như với họ thì đây vẫn là một việc làm bình thường như mọi ngày mà không ý thức được rằng mình đang vi phạm pháp luật.

Nhân rộng các môi trường không khói thuốc

Ảnh minh hoạ

Nhiều người lại cho rằng ăn uống nhâm nhi chén rượu, theo thói quen là phải kèm điếu thuốc. Với họ, nếu không có điếu thuốc lá kèm theo thì ăn và uống cũng thấy không ngon, thấy “nhạt miệng”. Còn rất nhiều nam giới, như “một thói quen”, khi tụ tập ăn uống, nhất là uống cà phê, kiểu gì cũng phải có bao thuốc lá đi kèm, để mời nhau và để câu chuyện thêm phần rôm rả.

Theo nghiên cứu năm 2020 của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các địa điểm này còn tương đối cao với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn.

Tại nhiều nhà hàng có các tấm biển "Nhà hàng không khói thuốc" nhưng thực khách vẫn ngang nhiên hút thuốc. Bản thân các chủ nhà hàng cũng rất khó khi nhắc nhở những "khách hàng là thượng đế".

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng vẫn còn tâm lý e ngại của người quản lý, của nhân viên khách sạn, nhà hàng đối với việc nhắc nhở khách hàng hút thuốc. Vì vậy việc vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các khách sạn và nhà hàng còn diễn ra phổ biến.

Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng thẳng thắn nêu rõ: "Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ...

Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ".

Kinh nghiệm của các nước cho thấy vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá,.. với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá như mong đợi.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng nêu rõ các hoạt động trong dịp này cần tập trung vào những nội dung cơ bản như: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn; Đẩy mạnh việc thực hiện môi trường không khói thuốc; Nâng cao năng lực cho mạng lưới cán bộ tham gia công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Thực hiện nghiên cứu, đánh giá về tình hình sử dụng thuốc lá, công tác triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…


Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật