A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TPHCM khơi thông các cửa ngõ, tăng kết nối vùng

Hàng loạt dự án trọng điểm mở rộng các cửa ngõ TPHCM sẽ được ưu tiên triển khai thời gian tới giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng, từ đó giảm áp lực cho mạng lưới giao thông nội đô.

TPHCM khơi thông các cửa ngõ, tăng kết nối vùng

Thi công mở rộng Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh (TPHCM). Ảnh: Thanh Vũ

Gỡ các “nút thắt cổ chai”

Nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) và mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) là hai dự án cửa ngõ quan trọng đã được khởi công cuối năm 2022 và đang tăng tốc thi công trong năm nay.

Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 50 được đầu tư với kinh phí gần 1.500 tỉ đồng, dài gần 7km, mở rộng lên 34m cho 6 làn xe. Hơn 4km đường mới song hành Quốc lộ 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu. Trên tuyến hai cầu Bà Lớn và Ông Thìn cũng được xây dựng đồng bộ.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), dự án đang thi công gói thầu xây lắp số 1, 2, 3, 4 (xây dựng mới đoạn song hành Quốc lộ 50). Tổng khối lượng 4 gói thầu xây đường song hành Quốc lộ 50 đạt khoảng 30%. Các gói thầu xây lắp số 5, 6, 7 (mở rộng đoạn Quốc lộ 50 hiện hữu) đang được thẩm định, dự kiến tiếp tục khởi công các gói thầu này trong tháng 10.2023. Dự án dự kiến hoàn thành dịp 30.4.2025, tạo thành một trục nối kết cửa ngõ TPHCM với Long An và các tỉnh miền Tây.

Đối với dự án nút giao An Phú tổng vốn hơn 3.400 tỉ đồng, quy mô 3 tầng, ông Lương Minh Phúc cho biết, dự án đang triển khai thi công trụ cầu Bà Dạt, cầu Giồng Tố và các đốt hầm phía cầu Bà Dạt. Riêng các đốt hầm trên đường Mai Chí Thọ đang chờ phần mở rộng làn đường hiện hữu để thi công cọc khoan nhồi.

Suốt nhiều năm qua, khu vực này được đánh giá là nút thắt lớn nhất khiến tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Không chỉ có nút giao, đây là khu vực có rất nhiều loại hình giao thông kết nối như đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chuẩn bị mở rộng lên 8 làn xe; trong tương lai có đường sắt cao tốc TPHCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến Metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm)...

“Dự án nút giao An Phú đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo dự án hoàn thành phục vụ người dân vào ngày 30.4.2025” - ông Phúc nói.

5 dự án BOT mở rộng cửa ngõ

Theo dự kiến, sẽ có thêm 5 dự án mở rộng cửa ngõ được UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 9 này.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - Trần Quang Lâm cho biết, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Nhờ chủ trương này, Sở đã lựa chọn những tuyến đường cấp bách, khả thi nhất để triển khai ngay.

Cụ thể, ở cửa ngõ phía Đông, Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6km sẽ được mở rộng lên 53-60m, với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng.

Tại cửa ngõ phía Tây, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km cũng được mở rộng từ 19m lên 52m với 8 làn xe, tổng vốn gần 12.900 tỉ đồng. Ở cửa ngõ phía Nam, dự án cầu đường Bình Tiên (đi qua Quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2km, rộng 30-40m, tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng.

Tại cửa ngõ phía Tây Bắc, Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1km sẽ mở lên gần 40m, xây hai cầu vượt, kinh phí khoảng 3.609 tỉ đồng. Dự án trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỉ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM - Bùi Văn Quản cho rằng, TPHCM có lợi thế nhiều cửa ngõ mở ra kết nối về nhiều phía. Từ đó, hàng hóa, nguồn lực từ khắp các nơi có thể lưu chuyển đi - về với TPHCM đều thông qua các cửa ngõ. Chính nhờ điều này mà TPHCM được coi là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Các dự án mở rộng cửa ngõ cần ưu tiên làm nhanh vì nguồn thu trở lại từ hạ tầng thông thoáng, lợi ích tạo ra cho người dân, xã hội là rất lớn” - ông Quản nói và lưu ý, các dự án triển khai theo hình thức BOT cần có hợp đồng chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan