Trường học vùng ngập lụt huyện Chương Mỹ sẵn sàng trước năm học mới
Không còn dáng vẻ của ngôi trường hơn 10 ngày “dầm mình” trong nước, các trường học thuộc vùng ngập lụt của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã sẵn sàng mọi điều kiện trước thềm năm học mới 2024 - 2025.
Nhịp sống dần trở lại bình thường
Hơn nửa tháng trôi qua sau khi nước rút, cuộc sống của bà con Nhân dân xã Nam Phương Tiến quay trở lại trạng thái bình thường. Những ngày giữa tháng 8, nắng thu hanh hao trải vàng khắp các con đường quê, phủ bóng lên sân trường Tiểu học Nam Phương Tiến A.
Phụ huynh, học sinh trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đều háo hức mong chờ năm học mới |
Nếu đến đây lần đầu, chắc chắn mọi người sẽ không tin rằng, cách đây chỉ hơn chục ngày, cả ngôi trường này dầm mình trong ngập lụt. Những mảng tường màu vàng vẫn còn hoen lại từng vệt nước sẫm màu vì bị ẩm khi ngâm nước lâu ngày. Từng mảng chân tường bắt đầu có dấu hiệu bong tróc.
Cô Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Phương Tiến A cho biết: “Trong những ngày nước dâng cao nhất, đi trong sân trường, nước ngập đến quá bụng người, còn ở khu vực cổng trường, nước cao đến 2m. Thuyền, xuồng là phương tiện di chuyển duy nhất đến ngôi trường này”.
Niềm vui của học sinh ngày trở lại trường |
Là địa bàn vùng khó của huyện Chương Mỹ, trường Tiểu học Nam Phương Tiến A cũng như nhiều trường học khác trong xã thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ kéo dài gây ra. 9 năm công tác tại trường, cô Hiệu trưởng Minh Hoa đã chứng kiến 3 trận ngập lụt lịch sử. Đó là năm 2017, 2018 và 2024. “Tuy nhiên, năm nay là ngập nặng nhất” - cô Hoa nói.
Hơn 250 học sinh của nhà trường đã bắt đầu tựu trường sau kỳ nghỉ hè dài. Chị Thủy - thôn Nhân Lý chia sẻ: “Sống ở vùng trũng nên nhiều năm nay, chúng tôi đã dần quen với cảnh ngập lụt và chuẩn bị sẵn tinh thần để ứng phó. Đồ đạc kịp thời sơ tán nhưng mùa màng thất thu, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nên cũng đỡ phần nào nỗi lo trước thềm năm học mới”.
Nhịp sống của thầy và trò ngôi trường vùng ngập lụt đều trở lại trạng thái bình thường |
Ngoại trừ học sinh lớp 1, 2 được ông, bà, bố mẹ đưa đi đón về còn lại rất nhiều học sinh trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã chủ động đi học bằng xe đạp.
Cô Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Phương Tiến A cho biết: “Thực hiện chỉ đạo chung của ngành Giáo dục, nhà trường tổ chức đón học sinh 2 tuần trước khi năm học mới chính thức bắt đầu, thời gian từ 8h sáng đến 10h30 phút trưa.
Trong những ngày này, ngoài việc rèn nề nếp, thói quen đến trường cho học sinh, các cô giáo còn nắm bắt tình hình, điều kiện cụ thể của từng em để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới”.
Sau trận ngập lụt năm 2018, trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã được thành phố, huyện đầu tư xây mới 2 dãy nhà cao tầng, sửa chữa 2 dãy nhà cũ đồng thời mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc học tập của học sinh.
Học sinh háo hức, mừng vui |
Dù có cơ sở vật chất khang trang nhưng so với nhiều trường học khác thuộc các huyện ngoại thành của Thủ đô, trường có sĩ số khiêm tốn với khoảng 252 học sinh. Nguyên nhân là bởi, nhiều gia đình đã chuyển đến nơi ở khác có điều kiện sống tốt hơn nên dân số ở đây bị già hóa. 100% phụ huynh của nhà trường đều làm nông nghiệp tại địa phương nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Để học sinh có ngày khai giảng vui tươi, ấm áp
11 ngày chìm trong nước khiến trường Tiểu học Nam Phương Tiến A chịu thiệt hại nặng nề. Nhà trường bị hỏng 1 bộ loa đài phục vụ cho hoạt động ngoài trời, 1 tivi, 4 bộ máy vi tính, một số bảng đen và trang thiết bị học tập khác.
Cô và trò đều nỗ lực |
Cô Hoa cho biết, trong những ngày ngập lụt, Ban Giám hiệu nhà trường cùng cán bộ giáo viên thường xuyên có mặt tại trường để di chuyển đồ đạc, bảo vệ đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, ngay khi nước rút, nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với các lực lượng dọn vệ sinh, khử khuẩn. Xã Nam Phương Tiến cũng đã cho rắc vôi bột xung quanh trường học để phòng, chống bệnh dịch.
“Trước mắt, nhà trường sẽ khắc phục khó khăn để đảm bảo việc dạy và học, chuẩn bị mọi điều kiện chu đáo, an toàn để các em học sinh có ngày lễ khai giảng vui tươi, ấm áp.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhiều học sinh trên địa bàn do kinh tế gia đình chịu ảnh hưởng do ngập lụt nên sách vở, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn hạn chế. Tôi mong muốn các đơn vị có lòng hảo tâm giúp đỡ các em để phụ huynh vơi bớt khó khăn trước thềm năm học mới”, cô Hoa tâm sự.
Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A chỉ có 252 học sinh |
Tương tự như trường Tiểu học Nam Phương Tiến A, cách đó không xa, trường THCS Nam Phương Tiến A có sĩ số chưa đến 200 học sinh. Thời điểm này, nhà trường cũng đã hoàn tất việc rà soát cơ sở vật chất để sẵn sàng chào đón năm học mới 2024 - 2025.
“Những ngày mưa lớn kéo dài gây ngập úng khiến nhà trường bị hỏng một số thiết bị như máy bơm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở tầng 1. Đến thời điểm này, công tác khắc phục đã hoàn tất. Chúng tôi cố gắng đảm bảo mọi điều kiện để học sinh đón năm học mới thuận lợi và an toàn”, thầy giáo Nguyễn Bá Thắng - Hiệu trưởng trường THCS Nam Phương Tiến A thông tin.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ, cho biết: Toàn huyện có 117 trường học, trong đó có 37 trường THCS, 38 trường tiểu học, 42 trường mầm non với tổng số 82.758 học sinh, 5.170 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm học 2024 - 2025, huyện Chương Mỹ tăng 2.042 học sinh so với năm học trước.
Nhà trường đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh bước vào năm học mới |
Để chuẩn bị đón năm học mới 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường rà soát kỹ về cơ sở vật chất, sửa chữa 3 trường học; đặc biệt quan tâm tới 3 trường học vùng ngập lụt để kịp thời có sự hỗ trợ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh; rà soát về đội ngũ nhà giáo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.
Thông tin thêm về công tác hỗ trợ trường học vùng ngập lụt, bà Hằng cho biết: “Ngay khi mưa lớn kéo dài, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn vùng trũng có sự chuẩn bị, kịp thời di chuyển đồ dùng, trang thiết bị dạy học từ tầng 1 lên tầng 2 để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT phát động quyên góp ủng hộ trong toàn ngành và với riêng từng bậc học. Trong đó, cấp Tiểu học hội thu được số tiền hơn 40 triệu đồng, Mầm non hơn 43 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ các nhà trường khó khăn”