Tỷ lệ học sinh học nghề thấp do tâm lý trọng bằng cấp
Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trên địa bàn TP tuy có tăng hàng năm những vẫn đạt tỷ lệ thấp (năm 2023 đạt 18,5%). Nguyên nhân do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đã báo cáo khái quát tình hình thực hiện quy định pháp luật về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2020 đến nay.
Quang cảnh hội nghị |
Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề còn thấp
Theo đó, trên địa bàn TP hiện nay có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 311 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 68 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 37 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 130 doanh nghiệp, các loại hình khác.
Ông Nguyễn Tây Nam cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động các trường trung cấp, cao đẳng công lập TP giai đoạn 2025 - 2030, dự kiến ban hành vào quý III/2024.
Về công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 369.114 học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở. Trong đó, 26.010 học sinh vào học tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (tỷ lệ 7,05%); 31.572 học sinh vừa học văn hóa kết hợp học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chỉ tiêu dạy văn hóa (tỷ lệ 8,6%).
Ông Nguyễn Tây Nam cho biết, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trên địa bàn TP tuy có tăng hàng năm những vẫn đạt tỷ lệ thấp (năm 2023 đạt 18,5%).
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, từ 70,25% (năm 2020) lên 73,23% (năm 2023). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 48,5% (năm 2020) lên 52,5% (năm 2023). Kết quả này đã khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng luôn quan tâm công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp, coi đây là một giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Trong giai đoạn 2020 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 4.000 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận 154.053 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; 3.705 doanh nghiệp tuyển dụng 497.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 2.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 488.063 học sinh, sinh viên; 409 doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo; 855 lượt doanh nghiệp tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, trong đó có xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam báo cáo tại hội nghị |
Về kết quả thực hiện công tác giải quyết việc làm, ông Nguyễn Tây Nam cho biết, giai đoạn 2020-2023 và 5 tháng đầu năm 2024 toàn TP giải quyết việc làm cho 877.846 người, trong đó giải quyết việc làm cho 151.648 người từ việc xét duyệt cho vay vốn từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP Hà Nội với số tiền 8.950 tỷ đồng; đưa 15.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của Hà Nội giai đoạn 2020-2023 bình quân đạt 3,44%.
“So sánh với giai đoạn 2016-2019, công tác giải quyết việc làm tăng lên trên 23% qua đó cho thấy TP và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, giúp đời sống của người dân ngày một cải thiện”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội bày tỏ.
Dự báo nhu cầu tuyển dụng còn hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.
Trong đó, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp trung học phổ thông đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Trong khi đó, hiện nay mức hỗ trợ tối đa theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng thấp hơn rất nhiều so với quy định giá dịch vụ đào tạo đã được HĐND TP ban hành tại Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023.
Trường hợp TP thực hiện mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương, phần chênh lệch giữa mức giá dịch vụ đào tạo và mức hỗ trợ sẽ rất cao, người học phải tự bù phần chênh lệch này, gây nhiều khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai thực hiện.
Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các Sàn, Điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...
“Hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng; các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, đôi khi chưa kịp thời. Công tác báo cáo định kỳ của các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm còn chậm, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, phân tích, dự báo về thị trường lao động toàn TP”, ông Nguyễn Tây Nam nêu rõ.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã nêu một số giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến những cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực này.