A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ có nguy cơ mắc bệnh tự kỉ

TPHCM - Ở một số dấu hiệu, phụ huynh có thể nhầm lẫn trẻ nhút nhát hoặc khó tính thay vì trẻ có khả năng mắc bệnh tự kỉ, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ có nguy cơ mắc bệnh tự kỉ

Bác sĩ thăm khám cho trẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Cường - Khoa Phòng khám chất lượng cao - Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2, tự kỉ hay rối loạn phổ tự kỉ là dạng rối loạn phát triển thần kinh - tâm lý ở trẻ em. Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỉ có thể hành xử, giao tiếp, tương tác và học hỏi theo những cách khác biệt so với hầu hết mọi người.

Một số trẻ tự kỉ không nói hoặc nói muộn hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa. Có trường hợp trẻ nói đúng tuổi nhưng không sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp mà chỉ lặp lại lời người khác. Điều này dễ khiến phụ huynh bị bỏ sót hoặc hiểu lầm trẻ chỉ chậm nói đơn thuần.

Bên cạnh đó, phụ huynh thường có xu hướng bỏ qua khi trẻ không phản ứng nếu được gọi tên, không chỉ tay để yêu cầu, ít giao tiếp bằng mắt hoặc có những sở thích lặp đi lặp lại. Phụ huynh có thể nhầm lẫn trẻ nhút nhát hoặc khó tính thay vì có khả năng mắc bệnh tự kỉ, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để được đánh giá chuyên môn sớm và hỗ trợ kịp thời nếu trẻ 12 tháng tuổi không bập bẹ hoặc không giao tiếp bằng cử chỉ, trẻ 16 tháng tuổi chưa nói được từ đơn, trẻ 24 tháng tuổi chưa nói được cụm từ có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu cũng cần được lưu ý như trẻ có kĩ năng nhưng sau đó bị thoái lui, trẻ không có hứng thú với việc tương tác với người khác, có những hành vi lặp đi lặp lại, hạn chế sở thích.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Trưởng Khoa Phòng khám chất lượng cao tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 - nhận định, hiện không có một yếu tố đơn lẻ nào quyết định sự tiến bộ của một trẻ tự kỉ. Cần sự kết hợp của nhiều yếu tố như can thiệp y khoa, hỗ trợ tâm lý, giáo dục đặc biệt và sự đồng hành của gia đình. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng hành của gia đình.

Phụ huynh là những người gắn bó với trẻ lâu dài nhất. Khi trẻ mắc bệnh tự kỉ không chỉ cần sự hỗ trợ từ bác sĩ hay chuyên gia trong vài buổi trị liệu, mà còn cần một môi trường yêu thương, kiên nhẫn và nhất quán từ gia gia đình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật