A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc động tình dân nghẹn ngào đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Từ sáng sớm 25/7, những dãy phố dài quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) nhuộm trong sắc áo tối màu trong ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những dòng người mỗi lúc một đông, lặng yên trong niềm tiếc thương hướng về Nhà tang lễ để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân xếp hàng từ sáng sớm đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê nhà
Người dân xếp hàng từ sáng sớm đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê nhà

Nhiều người dân ở các tỉnh, thành xa xôi đã có mặt từ sớm, tất cả lặng yên trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự mất mát to lớn của cả dân tộc.

Bà Đoàn Thị Ngọc Lan, cựu chiến binh quê ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, bà thuê trọ gần khu vực Nhà tang lễ Quốc gia từ chiều hôm trước để kịp viếng đồng chí Tổng Bí thư. Từ hôm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Lan đã lấy hình ảnh của đồng chí Tổng Bí thư làm hình nền trên điện thoại di động của mình để bày tỏ lòng thương tiếc.

Đoàn Thị Ngọc Lan, cựu chiến binh quê ở huyện Phúc Thọ
Đoàn Thị Ngọc Lan, cựu chiến binh quê ở huyện Phúc Thọ

"Tổng Bí thư đã vất vả vì dân, vì nước, cống hiến trọn vẹn đến giây phút cuối cùng. Lòng dân chúng tôi luôn hướng về đồng chí Tổng Bí thư, người cộng sản kiên trung hết lòng vì Nhân dân. Chúng tôi biết ơn đồng chí thật nhiều... ", bà Lan ngẹn ngào nói.

Ông Mai Văn Tuấn (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ông bắt xe khách từ Thanh Hóa về Hà Nội từ sáng sớm đến gần nhà tang lễ để được hòa vào nỗi tiếc thương, để được nói lời biết ơn từ đáy lòng tới đồng chí Tổng Bí thư.

“Tôi đã theo dõi con đường Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi suốt nhiều năm qua, bác là người lãnh đạo đáng quý và được Nhân dân kính yêu. Ngày nghe tin bác mất, tôi như lặng đi. Tôi mong đến nhà tang lễ được chắp tay, gửi đến bác lời cảm ơn vì đã giúp đất nước, giúp người dân có đời sống ngày càng tốt hơn”, ông Tuấn gửi gắm.

Trong dòng người chờ vào viếng, có một học sinh quê Thái Bình đi từ 4 giờ sáng để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư. Cô bé dự định cuối giờ chiều vào viếng xong, rồi sẽ bắt chuyến xe cuối cùng để về quê; đến sáng mai lại bắt xe lên Hà Nội để tiễn người về với "đất mẹ”.

Ông Phạm Đăng Vĩ (huyện Đông Anh) cũng có mặt từ rất sớm để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng đôi nạng thép của mình. Ảnh: Cường Ngô
Ông Phạm Đăng Vĩ (huyện Đông Anh) cũng có mặt từ rất sớm để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng đôi nạng thép của mình. Ảnh: Cường Ngô

Tại quê nhà đồng chí Tổng Bí thư, hàng trăm người dân đã tới nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, xếp hàng vào hội trường chờ viếng.

Ông Phạm Sinh Nghiên, năm nay ngoài 80, tuổi là thành viên Hội thương bệnh binh huyện Đông Anh (Hà Nội). Ông có mặt từ sáng sớm, đợi đến lượt vào viếng Tổng Bí thư tại quê nhà Lại Đà.

Thương binh Phạm Sinh Nghiên đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Cường Ngô
Thương binh Phạm Sinh Nghiên đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Cường Ngô

Từ đêm qua, trằn trọc không ngủ được, ông chỉ mong đến sáng để được vào viếng Tổng Bí thư. Với ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người con ưu tú của thôn Lại Đà, xã Đông Hội.

"Thật tự hào khi quê hương có người con ưu tú như ông. Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi, ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nay ông về cõi người hiền, nhân dân chỉ biết bày tỏ niềm tiếc thương từ những việc nhỏ, và cầu mong ông yên nghỉ”, ông Nghiên xúc động nói.

Là thương binh hạng 1/4, bị cụt một chân khi tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979, ông Phạm Đăng Vĩ (huyện Đông Anh) cũng có mặt từ rất sớm để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng đôi nạng thép của mình.

Ông cho biết, vì không ngủ được, nên 1h sáng ông đã dậy, đợi đến 3h để cùng đoàn đến nhà văn hóa thôn Lại Đà để dâng nén hương thơm, kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đoàn của ông gần 20 người, đều là thương binh nặng trên 81%, bản thân ông bị cụt một chân, đi lại rất khó khăn nhưng ông vẫn muốn tự mình đến viếng Tổng Bí thư.

Với ông, Tổng Bí thư là một người rất tình cảm, bình dị, trong những lần về thăm quê, ông không bao giờ “trống giong, cờ mở” mà luôn chọn cách xuất hiện bình thường nhất. Đó là điều khiến người dân vô cùng trân trọng.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật