Bão số 1 vừa tan, nhiều khả năng Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão số 2
Chiều qua (18/7) cơn bão số 1 - bão Talim đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, đến 4h sáng nay (19/7), vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc-104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Việt Bắc.
Trước đó, vào chiều tối ngày 18/7, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 1 - bão Talim) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết thông tin thêm, ngay sau khi cơn bão số 1 kết thúc, trên Biển Đông có thể xuất hiện cơn bão số 2 hoặc một áp thấp nhiệt đới. "Hiện tại, phía nam Biển Đông xuất hiện hình thái thời tiết xấu, chúng tôi đang cảnh báo gió mạnh cấp 6, sóng biển cao 3 - 5 m ở khu vực này" ông Hưởng chia sẻ.
Theo ông Hưởng, Hà Nội nằm ở rìa phía tây nam của cơn bão nên có khả năng xảy ra giông lốc, mưa lớn gây ra ngập úng.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết thêm, trọng tâm mưa đã thay đổi một chút so với những dự báo trước. Mưa lớn sẽ tập trung ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Khu vực tây bắc, đồng bằng Bắc bộ lượng mưa sẽ thấp hơn.
"Mưa dự kiến từ đêm 17 - 19/7, khu vực đông bắc có lượng mưa phổ biến 200 - 300 mm, có nơi trên 400 mm; khu vực tây bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ có mưa to 100 - 200 mm, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 70 - 120 mm. Đề phòng mưa lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái", ông Hưởng nói, và cho biết, mưa sau bão có thể kéo dài đến 2 ngày.
Ngoài mưa lớn, cần đề phòng giông lốc. Khi bão vào vịnh Bắc bộ, những vùng xa như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, cách tâm bão hàng trăm km có thể có giông, lốc mạnh.
Trên các sông suối thuộc Bắc bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ 3 - 5 m ở thượng lưu, từ 2 - 4 m ở hạ lưu. Các sông suối nhỏ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ.
"Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên", ông Hưởng thông tin.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định về cơn bão số 1 và khả năng xảy ra cơn bão số 2. Ảnh: Dân Việt.
Cũng theo ông Hưởng, hiện tại do tác động của Elnino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương), số lượng bão hoạt động trên Biển Đông cũng như tác động đến đất liền Việt Nam ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Tuy nhiên, theo thống kê, những năm chịu ảnh hưởng của Elnino là những năm có các cơn bão mạnh, đường đi phức tạp, mưa lớn xảy ra cực đoan.