Đổi mới, nâng cao năng lực dự báo thiên tai
Diễn biến phức tạp của thiên tai ngày càng cực đoan. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó một cách chủ động, từ sớm, từ xa và mang lại hiệu quả cao.
Thiên tai ngày càng biến đổi phức tạp, dị thường
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ.
Tuy nhiên, nước ta cũng là một trong những quốc gia trên thế giới phải gánh chịu các tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu, nhất là các địa phương ven biển. Chính vì vậy, việc giám sát đại dương, dự báo cảnh báo thiên tai phục vụ sinh kế biển rất quan trọng.
Đặc biệt, những năm gần đây thiên tai diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Ảnh minh họa |
Mặc dù, các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống, song thiên tai đã làm 16.000 người chết, thiệt hại về kinh tế trên 343 tỷ USD (cao hơn nhiều so với năm 2020).
Ở trong nước, hậu quả nghiêm trọng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 chưa được phục hồi, trong khi năm 2022 thiên tai đang diễn biến hết sức phức tạp.
Cụ thể năm 2021, đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó, có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm; 1.030 vụ hỏa hoạn; 20 vụ nổ; 13 vụ sập đổ công trình; 866 vụ tai nạn trên biển; 263 vụ tai nạn đường thủy nội địa.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ, mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị, rét lịch sử cuối tháng 2/2022, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C; Sạt lở đất ở miền núi phía Bắc, động đất liên tiếp tại Kon Tum...
Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai được dự báo sẽ ngày càng diễn biến rất phức tạp, khó lường, Chính phủ, các bộ, ngành cho rằng xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và người dân cần nỗ lực lớn, tập trung cao vào các biện pháp phòng, chủ động ứng phó.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: "Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan của khí hậu, việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ, mở rộng hợp tác là rất quan trọng".
Băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn trong đợt rét khốc liệt ở miền Bắc |
Phó Thủ tướng cho rằng qua diễn biến từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.
Công tác phòng, chống thiên tai cần phải tập trung quyết liệt hơn nữa, tập trung đổi mới nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai sớm, từ xa; Triển khai ngay công tác rà soát phương án phòng, chống thiên tai, chủ động kiểm tra các điểm xung yếu để có giải pháp xử lý.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần phản ứng nhanh, chính xác khi có tình huống thiên tai xảy ra; Hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, đảm bảo đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương củng cố lực lượng xung kích ứng phó ngay khi xảy ra sự cố; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thường xuyên phổ biến kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai đến người dân; Bên cạnh đó, sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng.
Cả nước triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn; Đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn; Trong đó, xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của lực lượng vũ trang.
Các địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ngoài ra, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ".
Đồng thời, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; Đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; Tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố; Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình đào tạo, giảng dạy trong nhà trường và hoạt động hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng...