A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động đất ở Kon Tum: Thầy cô, học sinh luôn trong tư thế chạy trốn 'tử thần'

Ở xã Đăk Rinh, huyện Kon Plông, nhiều giáo viên cắm bản đêm nằm ngủ phải để hé cửa và tuyệt đối không ai được chốt cửa, để khi có động đất các thầy cô mau chóng chạy thoát được ra ngoài.

 

Người dân quanh vùng thủy điện Thượng Kon Tum sống chung với nỗi lo sợ động đất, vỡ đập. Ảnh T.T

Người dân quanh vùng thủy điện Thượng Kon Tum sống chung với nỗi lo sợ động đất, vỡ đập. Ảnh T.T

Thường trực nỗi sợ núi lở, đất vùi

Hơn một năm qua, kể từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước cũng trùng với thời điểm xảy ra hàng trăm cuộc động đất lớn nhỏ. Năm 2021 có 169 trận, năm 2022 có hơn 50 trận. Người dân sống xung quanh vùng lòng hồ ở các xã như Đăk Rinh, Đăk Tăng, Đăk Nên luôn ám ảnh với tiếng nổ trong lòng đất và các đợt dư chấn kéo dài.

Trường học ở xã Đăk Rinh xuất hiện các vết nứt toác, sụt lún kèm với các trận động đất. Ảnh T.T

Trường học ở xã Đăk Rinh xuất hiện các vết nứt toác, sụt lún kèm với các trận động đất. Ảnh T.T

Từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, phải vượt đường đèo dốc, núi cao hiểm trở hơn 50 cây số mới vào được xã Đăk Rinh. Đường nhiều đoạn sạt lở, chỉ cần tài xế một phút lơ là, chiếc xe có thể cắm đầu xuống vực sâu hơn 100m.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học Đăk Rinh, nhiều em học sinh nô đùa trước sân trường. Nhưng trong ánh mắt trẻ thơ vẫn còn ám ảnh, nỗi hoảng sợ về động đất, cảnh trường rung đất lở.

Em Y Hen – học sinh lớp 3 cho biết: "Khi chúng em đang học bài, bỗng có tiếng động lớn, bàn ghế rung chuyển. Thầy cô nói chúng em, tất cả phải bình tĩnh, không được hoảng sợ. Các em tìm cách trốn dưới hộc bàn ghế, kệ sách vở, nơi có thể che chắn được mảng tường đổ hoặc ai đó sẽ chạy ra phía ngoài sân".

Những ngôi làng và trường học ở Đăk Rinh nằm trên cao, phía dưới chân là sông Đăk Nghé bị ngăn dòng tại hồ chứa Thượng Kon Tum.

Thủy điện lớn ở cực Bắc Tây Nguyên này có tổng vốn đầu tư khoảng 9.500 tỉ đồng, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 220MW, sản lượng điện bình quân trên 1.094 triệu kWh/năm. 

Chạy nhanh trước khi thần chết nắm tay

Cô Trần Hồng Vĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học Đăk Rinh cho biết, hơn 20 năm dạy học ở miền núi, chưa khi nào chứng kiến nỗi ám ảnh khi động đất liên tục xảy ra.

Những tưởng nơi núi cao, quanh năm sương mù, đời sống dân bản sẽ bình yên, nhưng từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, thiên nhiên có vẻ như đang nổi cơn thịnh nộ với người dân xã Đăk Rinh quanh năm chỉ biết trồng mì (sắn), trồng khoai trên nương rẫy.

Đoàn công tác của Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại trường ở xã Đăk Rinh. Ảnh T.T


Đoàn công tác của Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại trường ở xã Đăk Rinh. Ảnh T.T

Các giáo viên, học sinh nơi đây rất nhạy cảm với tiếng động lớn, động đất liên tục lâu dần hình thành một nỗi lo thường trực. Hôm nay động đất, nhà trường nứt nẻ, rung chấn, sụt lún, biết đâu ngày mai núi lở, đất vùi như Trà Leng (Quảng Nam), Rào Trăng (Thừa Thiên – Huế)...

"Đêm về, khi đi ngủ tại khu nhà nội trú, các giáo viên có quy luật bất thành văn là không bao giờ chốt cửa. Để đang đêm xảy ra động đất, các thầy cô mau chóng bật cửa chạy thoát ra ngoài được. Nếu động đất làm sập nhà cửa thì bản thân cũng an toàn, phải chạy trước khi thần chết nắm tay", cô Vĩnh nói.

Đập dâng thủy điện Thượng Kon Tum - một trong những thủy điện lớn nhất ở Tây Nguyên. Ảnh T.T

Đập dâng thủy điện Thượng Kon Tum - một trong những thủy điện lớn nhất ở Tây Nguyên. Ảnh T.T

Theo cô Trần Hồng Vĩnh, học sinh, thầy cô được dạy về kỹ năng phòng chống thiên tai, mưa lũ nhưng chưa có kỹ năng ứng phó với động đất. Cần phải có các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ để các em có thêm chiếc pháo cứu sinh, tự cứu lấy chính mình.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, động đất ở vùng thủy điện Thượng Kon Tum cũng giống như động đất ở thủy điện Sông Tranh, tỉnh Quảng Nam 10 năm về trước. Động đất gây ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình nhà nước, làm người dân hoang mang.

Động đất cao nhất ở thủy điện Sông Tranh là 4,7 độ richter, trong khi ở Thượng Kon Tum là 4,5 độ ghi nhận vào ngày 18/4, được dự báo nguy cơ có thể lên đến 5,0 – 5,5 độ richter.

"Trước mắt, ngành chức năng sẽ tập trung khắc phục thiệt hại về nhà cửa, trường học mà học sinh phải đi sơ tán. Rà soát lại phương án ứng phó với động đất. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu, đánh giá để tìm nguyên nhân gây ra động đất sớm nhất", ông Quang nói.

Đồng thời, kết nối trực tuyến 3 trạm quan trắc ở thủy điện để truyền thông tin cảnh báo sớm, vì hiện nay đang quan trắc thủ công. Không những thủy điện Thượng Kon Tum mà hàng loạt các nhà máy thủy điện khác trên địa bàn cũng cần được rà soát, kiểm tra theo hướng phòng chống với động đất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật