Dự báo hạn mặn tại Bạc Liêu diễn biến phức tạp trong mùa khô 2025
Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, có khả năng đến sớm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản đề nghị các ngành có liên quan chủ động lên phương án ứng phó.
Không để thiếu nước sạch nông thôn
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp tình hình thực tế và diễn biến thời tiết, hạn chế thiệt hại do thiên tai. Trung tâm Nước sạch phối hợp các địa phương rà soát, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước, đảm bảo nguồn nước thiết yếu, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. UBND các huyện, thành phố Cà Mau khuyến cáo người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau - cho biết: Hiện tại Cà Mau có 26 công trình cấp nước tập trung nông thôn với tổng chiều dài tuyến ống 649km, cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gần 27.000 hộ dân.
Đề phòng sạt lở, sụt lún đất
Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - nhận định, nếu mùa khô xảy ra sớm, tình trạng thiếu nước tại kênh rạch sẽ có nguy cơ cao sạt lở, sụt lún đất như năm 2024.
Tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) - nơi tâm điểm của sạt lở, sụt lún đất năm 2024 - ngay từ đầu năm 2025, công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân về nguy cơ gây sụt lún đất, sạt lở bờ sông, kênh, rạch, đe dọa đến tính mạng và làm thiệt hại tài sản của người dân và Nhà nước (nhà ở, công trình, hạ tầng giao thông…) đã được thực hiện.
Hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình hằng năm. Tại ĐBSCL có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt.
Để chủ động sản xuất trong điều kiện hạn mặn, ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau - thông tin, Sở đã có hướng dẫn các địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động sản xuất, kịp thời khuyến cáo người dân để chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Cà Mau đã đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng thủy lợi...
Đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển Tây, biển Đông, các tuyến đê sông để bảo vệ sản xuất vùng nội địa; tiếp tục thực hiện Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông. Khẩn trương triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông đến năm 2030 và định hướng đến 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngay sau khi được phê duyệt. Tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư cho công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các công trình bảo vệ bờ biển.