Nắng nóng kéo dài, Sơn Tây tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển kinh tế rừng luôn được thị xã Sơn Tây quan tâm thực hiện góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn.
Thị xã Sơn Tây là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của TP Hà Nội. Hiện nay, thị xã Sơn Tây có trên 600ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên khoảng 4,8ha, còn lại là rừng trồng chủ yếu là rừng trồng keo và bạch đàn theo các dự án 327; 3352; 661. Diện tích rừng nói trên được phân tán tại 9/15 xã, phường, trong đó xã Sơn Đông là xã có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất với khoảng 200ha.
Thị xã Sơn Tây diễn tập phòng chống cháy rừng |
UBND thị xã Sơn Tây thường xuyên quan tâm, bảo vệ và phát triển rừng, do đó, diện tích rừng tự nhiên không giảm đi, trong khi diện tích rừng trồng liên tục tăng qua các năm, trung bình mỗi năm, thị xã trồng mới từ 30.000 - 40.000 cây phân tán các loại.
Cùng với phát triển kinh tế từ rừng, công tác PCCC rừng luôn được cấp ủy, chính quyền từ thị xã tới cơ sở quan tâm thực hiện. Rừng tại thị xã Sơn Tây phần lớn là rừng trồng hỗn giao, có một số diện tích trồng thuần loài như thông, keo, bạch đàn nên khả năng giữ và điều tiết nước kém, khô kiệt về mùa khô; Thảm thực vật dưới tán rừng khô nỏ, dày, rậm rạp (cỏ, guột, cành khô, lá rụng) nên dễ bắt lửa, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC rừng tới mọi tầng lớp nhân dân; chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ góp phần kịp thời khống chế nhanh nhất các sự cố cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn...
Hoạt động diễn tập phòng chống cháy rừng của Hà Nội |
Hàng năm, Hạt Kiểm lâm Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng, đặc biệt là trong các đợt nắng nóng kéo dài. Hạt Kiểm lâm Sơn Tây cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thị xã thường xuyên phát các bản tin, thông tin cảnh báo về nguy cơ cháy rừng; Tổ chức các cuộc diễn tập chữa cháy rừng cấp xã với sự tham gia đông đảo của người dân.
Mặt khác, trong những ngày nắng nóng, khô hanh, dự báo cháy rừng ở cấp 4 (cấp nguy hiểm) và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm hướng dẫn chủ rừng thực hiện xử lý thực bì nhằm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; Đồng thời làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cùng với đó, các xã, phường có rừng đều thành lập tổ xung kích tham gia chữa cháy rừng. Lực lượng chữa cháy rừng được trang bị dụng cụ, máy móc hỗ trợ công tác chữa cháy nên hầu hết các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm, dập tắt kịp thời.
Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thì người dân cần nâng cao ý thức trong công tác PCCC rừng, thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn phòng chống cháy rừng. Đây là yếu tố tiên quyết góp phần bảo vệ những cánh rừng, tránh khỏi những thiệt hại đáng tiếc do cháy nổ gây ra.