A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần trang bị tốt kĩ năng nhận diện thực phẩm an toàn cho học sinh

Trước tình trạng những vụ ngộ độc tập thể liên tiếp xảy ra, theo các chuyên gia, để tránh những hậu quả đáng tiếc thì các bậc phụ huynh cần chủ động trang bị cho con mình kĩ năng phòng tránh các nguy hiểm, trong đó có kĩ năng lựa chọn thực phẩm an toàn.

Cần trang bị tốt kĩ năng nhận diện thực phẩm an toàn cho học sinh

Học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện theo dõi. Ảnh: Thùy Linh

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Sở Y tế Hà Nội cho biết đã tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến hơn 70 học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.

Rõ ràng, trong vụ việc này, trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn với hàng nghìn học sinh mỗi ngày, thuộc về đơn vị tổ chức bếp ăn, cung cấp đồ ăn và nhà trường. 

Theo các chuyên gia, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra các bậc phụ huynh cần chủ động trang bị cho con mình kĩ năng phòng tránh các nguy hiểm, trong đó có kĩ năng lựa chọn thực phẩm an toàn.

TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo: Các cha mẹ nên nhắc nhở các con thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi; rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và trước khi ăn.

"Trường hợp các cháu có xuất hiện nôn, tiêu chảy kèm sốt không rõ nguyên nhân thì nên đưa các cháu đến viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh việc các cháu bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải. Trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng"- bác sĩ Nam khuyến cáo. 

Thực tế, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ từ phía cơ quan chức năng, từ phía nhà trường nhưng việc cha mẹ chuẩn bị cho con cái kỹ năng tự bảo vệ mình cũng được coi là một trong những phương án an toàn.

Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương cho hay, tại nhiều nước trên thế giới, ở các nhà trường, hoạt động dã ngoại và thực hành chiếm đến 40% thời lượng học tập, thì ở Việt Nam lại quá ít. 9 tháng học chỉ có 2 - 3 buổi dã ngoại. Điều này cho thấy, học sinh Việt Nam vẫn nặng học lý thuyết và rất ít thực hành, không có tính thực tế. Đây là câu chuyện cũ vẫn chưa thể giải quyết được.

Và nguyên tắc của dã ngoại là phải được học về thực hành, học về thực tế, học về kỹ năng sống… cho nên việc chăm lo bữa ăn của chính mình cũng là một nội dung giáo dục, chứ không phải đi dã ngoại là các con đi chơi và được phục vụ. Nếu học sinh đi dã ngoại lại chủ yếu chơi và được phục vụ, chuyến dã ngoại đã hoàn toàn sai về ý nghĩa.

Theo TS Hương, cái sai này xuất phát từ tâm lý chiều học sinh của gia đình và nhà trường. Nếu các con tự chuẩn bị cho bữa ăn của chính mình (hoặc bố mẹ chuẩn bị cho tại nhà) thì sẽ không có câu chuyện ngộ độc tập thể như vậy.

"Đến bữa ăn, mỗi bạn sẽ phải tự mang xuất ăn đã chuẩn bị tại nhà của mình ra, tự tìm chỗ ngồi, tự phục vụ bản thân… Nếu trong điều kiện thời tiết nắng nóng không may khiến thức ăn bị hỏng, các con cũng cần phải biết cách phản ứng, bằng việc nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô giáo hoặc các bạn" - TS Vũ Thu Hương phân tích. 

Chuyên gia giáo dục này cho hay, phần lớn bậc cha mẹ cũng chưa hề có ý định dạy trẻ cách nhận diện thực phẩm. Nếu trẻ biết cách nhận diện thực phẩm thì sẽ không có câu chuyện bữa ăn có vấn đề mà một lượng lớn học sinh đều không phát hiện ra.

"Điều này rất quan trọng! Cần phải dạy cho con cách nhận diện thực phẩm không an toàn, như thức ăn chưa chín hay thức ăn đã bị ôi thiu… Nếu biết được những kỹ năng đơn giản này, chắc chắn việc bị ngộ độc tập thể sẽ được hạn chế rất nhiều, thậm chí khó có thể xảy ra.

Bởi có không ít những câu chuyện con vô tư sử dụng thực phẩm hỏng mà không hề hay biết, như việc uống hết hộp sữa rồi bị đau bụng, mẹ cắt hộp sữa ra thì mới thấy sữa đã hỏng, mốc. Hay con ăn hết đùi gà chiên rồi mẹ mới thấy thịt gà còn chưa chín kỹ… Chính vì vậy, việc dạy cho trẻ cách nhận diện đồ ăn không an toàn là vô cùng cần thiết" - TS Vũ Thu Hương nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan