A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công đoàn đảm bảo truyền thông hiệu quả về lao động trẻ em

“Hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) là cần thiết. Mạng lưới rộng khắp của công đoàn đảm bảo truyền thông hiệu quả, giúp địa phương, doanh nghiệp thay đổi tích cực trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cũng như nâng cao trình độ cho lao động trẻ”.

Công đoàn đảm bảo truyền thông hiệu quả về lao động trẻ em

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương (giữa) tham dự diễn đàn. Ảnh: Xuân Nhàn

Đó là phát biểu của Quyền trưởng Phòng Chính sách xã hội và quản trị UNICEF Việt Nam Nguyễn Thị Thanh An, qua Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ và nâng cao kỹ năng lao động trẻ” do Tổng LĐLĐVN, UNICEF vừa phối hợp tổ chức ở Bình Định, ngày 24.8.

Dự diễn đàn có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương; Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN Đỗ Hồng Vân cùng hơn 300 cán bộ, đoàn viên, người lao động.

Đối tượng dễ tổn thương

Thế giới còn khoảng 160 triệu trẻ phải tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó gần 50% thuộc Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2018, 5,5% trẻ từ 5 - 17 tuổi (tức 1,03 triệu em) là lao động trẻ em. Nhiều trong số đó làm việc với điều kiện nguy hiểm. Ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam - phân tích: “84% lao động trẻ em Việt Nam tập trung vùng nông thôn; hơn một nửa trong số đó thuộc khu vực nông - lâm - ngư nghiệp. Lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thường xuất hiện ở các ngành công nghiệp, xây dựng. 40% trẻ nhóm này phải làm nhiều hơn 40 giờ/tuần”.

COVID-19 làm suy yếu tiến bộ cộng đồng. Những nhóm đã tổn thương lại càng tổn thương hơn, mà trẻ em là đối tượng “mỏng manh” nhất. Việc ngăn ngừa, phòng chống lao động trẻ em do vậy, càng thêm cấp bách.

Về lao động chưa thành niên, bà Nguyễn Thị Thanh An nhìn nhận: “Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ năng động. Với sự phát triển của công nghệ mới, sự thay đổi của thị trường, lao động trẻ cần được trang bị kỹ năng thích ứng”.

Xác nhận đã có những bước tiến dài trên thực tế, đại diện UNICEF Việt Nam đồng thời cho rằng: “Nhiều bạn trẻ vẫn đang đối mặt với điều kiện làm việc nguy hiểm và bị lạm dụng, bao gồm tiếp xúc hóa chất độc hại, thời gian làm việc dài, căng thẳng thể chất, tinh thần”.

Bà Thanh An nhấn mạnh: “Cần có hành động toàn diện để giải quyết những nguyên nhân sâu xa, đa chiều; sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội. Mục tiêu tối thượng là mọi trẻ em phải được sống, học tập, phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh”.

Công đoàn, người lao động chung tay

Diễn đàn diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng. Hơn 300 đoàn viên, công nhân, lao động háo hức tham gia những tình huống trắc nghiệm, giao lưu liên quan đến tri thức xã hội - pháp luật về quyền trẻ em; về các quy định cơ bản của pháp luật lao động trẻ em; nhận diện lạm dụng lao động trẻ em; cách tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em; tư vấn, trị liệu tâm lý; kết nối dịch vụ can thiệp bảo vệ trẻ; hỗ trợ, đào tạo kỹ năng nghề cho lao động trẻ…

Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN Đỗ Hồng Vân khẳng định: “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn rất coi trọng. Hằng năm các cấp công đoàn triển khai hàng vạn cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người lao động kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc dinh dưỡng, hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo... giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Công đoàn cũng chú trọng công tác đào tạo kỹ năng nghề, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho lao động trẻ; tăng cường giám sát để các em có cơ hội làm việc trong một môi trường an toàn, đúng quy định pháp luật, tránh đang từ lao động hợp pháp trở thành bất hợp pháp”.

Bà Vân kêu gọi: “Để hình thành một môi trường như vậy, cùng tổ chức Công đoàn, các bạn có mặt ở đây phải tích cực chung tay. Qua các bạn, chúng tôi muốn, người thân, bạn bè các bạn cũng được truyền thông đầy đủ nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan