Giảm cân đột ngột, trẻ 13 tuổi có đường huyết cao vút
Nhiều người lầm tưởng đái tháo đường chỉ gặp ở người lớn nhưng trẻ em cũng có thể mắc với đường huyết cao.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Đ.P.B mới 13 tuổi nhưng có tình trạng biến chứng cấp tính của bệnh lý đái tháo đường.
Theo chia sẻ của gia đình, khoảng hơn 1 tháng nay, bé thường xuyên kêu mệt mỏi, ăn nhiều, uống rất nhiều nước và buồn ngủ. Trong 1 tháng bé sút mất 10kg. Cách khoảng 10 ngày trước khi vào viện bé có đi xe máy tự ngã, sau ngã bé đau vùng đầu và vai hai bên. Cùng ngày vào viện bé xuất hiện nôn, đau đầu, đau âm ỉ vùng thượng vị, người mệt mỏi. Gia đình đưa bé đi kiểm tra.
Qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy bé có biểu hiện lơ mơ, chỉ số đường máu của bé tăng rất cao (34,7 mmol/L) so với ngưỡng bình thường. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và Chống độc đưa ra chẩn đoán bệnh lý toan ceton do đái tháo đường.
BS Hà Thị Hằng, khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Nhiễm toan ceton do tiểu đường bao gồm các rối loạn sinh hóa nguy hiểm là: Tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Trẻ nhỏ khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, shock giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong, cần phải được điều trị tích cực, kịp thời bằng truyền dịch, insulin và điều chỉnh các rối loạn điện giải cùng các yếu tố nguy cơ.
Đái tháo đường tuýp 1 còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, do bệnh chủ yếu phát hiện ở trẻ em và người trẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton, gây mất nước và tử vong.
Đái tháo đường tuýp 1 phụ thuộc insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.
Với đái tháo đường tuýp 2, vấn đề chính là sự đề kháng insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin. Với đái tháo đường tuýp 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.
Ngoài hai tuýp đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường tuýp 1 rất phức tạp và vẫn còn chưa được hiểu rõ. Đái tháo đường xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường.
Đái tháo đường tuýp 2 ngày càng phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Những người có nguy cơ cao nhất là những người bị “béo trung tâm” (tức là trọng lượng thừa tập trung vào bụng và vùng quanh bụng).
Yếu tố gia đình cũng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường tuýp 2. Một số dạng đái tháo đường tuýp 2 khác ít phổ biến hơn có tác động đến những người không bị béo phì và thường có ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố di truyền.