A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa tìm trẻ đến trường

Thầy cô giáo vùng cao Yên Bái thường nói vui rằng, mùa hè là mùa leo rừng, vượt núi, đi đến bản làng vùng sâu, vùng xa để tìm trẻ trong độ tuổi, vận động đến trường.

Mùa tìm trẻ đến trường

Những ngày nghỉ hè, các cô giáo vùng cao vẫn miệt mài đến nhà dân vận động, tuyên truyền phụ huynh cho trẻ nhập học đúng tuổi để biết con chữ. Ảnh: An Nhiên

Gần 20 năm bám bản nuôi dạy trẻ vùng cao trường Tiểu học và THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đều đặn mỗi ngày, cô giáo Đỗ Thị Loan vượt 5km đường mòn dốc hun hút đến điểm trường.

Dịp nghỉ hè, cô Loan lại men theo đường rừng núi đến nhà học trò để vận động phụ huynh và học sinh quay lại trường đúng lịch. Mặc dù nhà trường và các cô giáo đã phải tuyên truyền cho các em ra năm học mới bằng nhiều hình thức, kể cả thông báo trên loa nhưng năm học trước, đến ngày khai giảng nhiều phụ huynh vẫn quên không đưa con đến lớp…

Cô giáo sinh năm 1984 tâm sự, đôi lúc cũng thoáng có sự nhụt trí, nhưng đến ngày khai giảng thấy những ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ người H’Mông chị lại có nguồn động viên và thôi thúc cố gắng nhiều hơn.

Cũng tại Mù Cang Chải, trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có là một trường khó khăn nhất nhì của huyện bởi nhiều điểm trường lẻ, cách xa trung tâm xã lại không có điện, không sóng điện thoại... Từ năm 2015 khi nhận công tác tại đây, cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh quá quen với việc cứ nghỉ hè là đi từng bản làng vận động trẻ đến trường. Để các em đi học, cô Dinh cùng đồng nghiệp phải tự tay lo thủ tục giấy tờ cho các em nhập học.

“Thậm chí, nhiều gia đình ở đây giấy tờ thiếu đủ thứ như chưa có giấy đăng ký kết hôn, chưa có sổ hộ khẩu hay chưa có giấy khai sinh cho con. Gặp những trường hợp đó, mình lại phải vận động họ và đưa xuống xã để làm thủ tục, giấy tờ luôn” - cô Dinh chia sẻ.

Còn ở Phúc Sơn - xã khó khăn nhất của thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, cô giáo Nguyễn Thị Thiện cùng nhà trường gặp hết khó khăn này đến vướng mắc khác trong công tác tuyển sinh trên rẻo cao.
“Phụ huynh của các em hầu hết đi làm ăn ở xa. Các con gửi cho ông bà nhưng ông bà hầu hết không biết chữ nên việc vận động con trẻ đủ tuổi đến trường gặp rất nhiều trở ngại. Chưa kể, dân cư ở đây thưa thớt, đường đi khó khăn. Nhiều nhà không thể đi xe máy vào mà phải đi bộ 3-4km đường đồi núi. Một số hộ dân ở ven suối nên chúng tôi phải lội qua suối mới đến được nhà. Có khi đến nhà rồi chờ đến tối muộn còn chưa thấy phụ huynh về”, nữ giáo viên trường Mầm non Phúc Sơn nói.

Câu chuyện thầy cô giáo đi “gom” học trò ngày hè còn diễn ra ở nhiều xã vùng cao của huyện nghèo Trạm Tấu. Do học sinh nơi đây thuộc các dân tộc thiểu số, lại ở tuổi mới lớn, ham chơi nên cứ sau hè lại ở nhà hoặc theo bố mẹ lên nương rẫy.

“Niềm vui lớn nhất của thầy cô là các em tới trường đầy đủ, chăm học. Khi có việc cần nghỉ học các em đã hình thành ý thức phải xin phép thầy cô nghỉ và sau đó cũng quay lại trường học, không bỏ học như trước” - thầy Lê Quốc Toản (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Làng Nhì) bày tỏ.

“Có những hôm chúng tôi đi bộ vượt rừng vào bản làng xa xôi vận động con trẻ đến trường, đến rộp cả bàn chân mà không gặp phụ huynh, tủi thân đến bật khóc. Nhưng rồi hình ảnh các em học sinh còn nhiều thiếu thốn, mình có thêm quyết tâm, cố gắng bằng mọi cách phải gieo con chữ, ươm mầm xanh để các con có tương lai tốt hơn” - cô Nguyễn Thị Hưng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Sơn (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) tâm sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan