Người thầy tâm huyết với công tác trẻ em
Là Phó Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP HCM, đồng thời cũng là Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp Trung ương nên TS. Đặng Tất Dũng còn được biết đến là người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho trẻ em. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có dịp trò chuyện cùng thầy về những câu chuyện liên quan đến trẻ em.
Là giảng viên ngành luật, vậy cơ duyên nào đã đưa thầy đến với công tác trẻ em?
- Đó là năm 1999 khi tôi đang là sinh viên, tôi đã tham gia chương trình Mùa hè xanh của Thành đoàn TP HCM tại Củ Chi. Tại đây, nhóm tình nguyện chúng tôi biết được có một nhóm trẻ em mù chữ và tái mù chữ sinh sống trong khu rừng cao su. Tôi đã cùng một người bạn tình nguyện vào đó mở lớp và xóa mù chữ cho các em. Vì lúc đó tôi chưa có nhiều kỹ năng sư phạm nên thời gian đầu cả thầy và trò đều vất vả, nhưng chúng tôi đều rất cố gắng. Đến một ngày, một cô bé học trò tên Tiên cầm một tờ giấy tới và hỏi thầy rằng đây có đúng là chữ “Khỏe” không? Khi tôi gật đầu là đúng thì cô học trò òa khóc vì lần đầu tiên trong đời em đã viết được tên người cha của mình thành con chữ trên tờ giấy.
Đó là khoảnh khắc đặc biệt với cả cô học trò nhỏ và “người thầy tình nguyện” là tôi. Khoảnh khắc đó đã giúp tôi đi đến quyết định sẽ trở thành một người giáo viên vì tôi nhận ra nếu tôi làm công việc khác có thể thu nhập cao hơn nhưng chỉ giúp được một hoặc vài người, còn nếu như tôi làm giáo viên tôi có thể tạo ra giá trị lớn với rất nhiều người hoặc có thể giúp nhiều người thay đổi cuộc đời của mình.
Trong nhiều cơ duyên để được đến với các lớp học ngoài giảng đường thì trẻ em là nhóm “người học” tôi có duyên được gặp nhiều nhất và cũng là nhóm khi có dịp là tôi nhận lời được đến cùng các em như một sứ mệnh mà xã hội trao gửi. Có khi là những lớp, những hoạt động cùng các em ở vùng quê, có khi là cùng các em ở các khu mái ấm tại thành phố, các trẻ em đường phố…
Không chỉ trên giảng đường ĐH Luật TP HCM, thầy còn đứng lớp ở rất nhiều “lớp học ngoài giảng đường” với “những trang giáo án mở” tại những vùng xa, những miền quê, thậm chí là những nơi đặc biệt như trại giam và các học trò là phạm nhân đang chấp hành án, thầy có thể chia sẻ?
- Trong quá trình tham gia hoặc chủ động tổ chức các “lớp học ngoài giảng đường”, bên cạnh trẻ em, tôi và các đồng nghiệp còn hướng đến các nhóm người học khác mà do những điều kiện cuộc sống, họ ít có điều kiện tiếp cận với kiến thức pháp luật. Những nhóm người học ấy có khi là các anh chị công nhân, những phạm nhân trong trại giam.
Khi đứng trên giảng đường cũng như khi đứng lớp ở một nơi xa xôi nào đó, tôi và đồng nghiệp luôn tâm niệm mình không chỉ là người thầy mà còn là người bạn, người anh cố gắng gieo cho người học mầm thiện. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng điều đó là vô ích vì không thể thấy ngay thành quả, nhưng tôi nghĩ cứ gieo mầm đi đã rồi cây xanh sẽ mọc vào một ngày nào đó thích hợp không xa.
Là một thầy giáo, tôi mong muốn các chính sách về học tập sẽ ngày càng được mở rộng như tinh thần Luật Giáo dục của Việt Nam về “giáo dục suốt đời”. Quá trình giáo dục luôn là quá trình tương tác hai chiều, trò học được từ thầy và thầy cũng học từ trò. Bản thân tôi đã học được từ các trò của mình nghị lực sống, tinh thần vượt qua khó khăn, để mỗi khi gặp khó khăn tôi thường nghĩ đến câu nói: “Khi bạn bắt đầu chồn chân thì hãy nghĩ về lý do vì sao bạn bắt đầu” và về cô học sinh tên Tiên và chữ “Khỏe” đầu đời, nghĩ về những học trò mình đã dạy, đã gặp để tiếp thêm nghị lực đi tiếp hành trình đã chọn…
Trong vai trò Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, thầy đã đồng hành cùng trẻ em trong quá trình chuẩn bị hai Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em trong 2 năm 2023 - 2024, thầy đánh giá thế nào về giá trị của quyền tham gia của trẻ em trong sự phát triển của trẻ em nói chung và ở Việt Nam nói riêng?
- Quyền được có ý kiến, được tham gia vào việc quyết định các vấn đề của trẻ em có vị trí quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, được ghi nhận bởi Luật Trẻ em và Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc ghi nhận, thực thi quyền này không chỉ giúp Nhà nước xây dựng được các chính sách, quy định có tính thực tiễn cao, phù hợp với trẻ em mà còn tạo ra môi trường để trẻ em trưởng thành, phát triển toàn diện hơn trong cách tìm hiểu vấn đề, đánh giá, đưa ra quyết định những vấn đề phù hợp với độ tuổi, nguyện vọng của mình.
TS. Đặng Tất Dũng là người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công tác trẻ em. (Ảnh: NVCC) |
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em là một hoạt động có tính đúc kết cao của rất nhiều hoạt động khác nhằm cụ thể hóa quyền tham gia của trẻ em. Trước đó và hiện nay, các chủ thể về lập pháp, hành pháp, hành chính cũng đã có nhiều hoạt động nhằm lắng nghe ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội cũng có những hoạt động đa dạng như các hộp thư “Điều em muốn nói”, “Hội đồng trẻ em” tại các địa phương để các em có môi trường và cơ hội tham gia ý kiến vào việc quyết định vấn đề của trẻ em. Riêng với Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, tính chủ động, tính chuyên môn sâu được đề cao. Do vậy, nội dung đề xuất, quyết định của các em (nghị quyết của phiên họp) cũng mang một giá trị lớn hơn, được các Bộ, ngành lắng nghe, tích hợp vào các quyết sách của mình và được Quốc hội giám sát quá trình cụ thể hóa vào chính sách, pháp luật sau đó.
Được cùng đồng hành với các em qua một số diễn đàn và hai Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần 1 và lần 2, không chỉ tôi mà tất cả các thành viên của Ban Tổ chức, Ban Chuyên môn đều nhận thấy sự trưởng thành, chủ động và sâu sắc của các em trong quá trình tham gia thảo luận nội dung, xây dựng các bài phát biểu, đặt câu hỏi chất vấn và đề xuất các kiến nghị. Có nhiều đánh giá, kiến nghị mà người lớn không thể nghĩ thay cho các em được. Đó là sự tiếp nối của nhiều hoạt động về quyền tham gia mà các em đã được tham gia trước đó, là sự chủ động xác định giải pháp cho những vấn đề của chính mình dựa trên đặc thù độ tuổi và phát triển của cá nhân. Quan trọng hơn nữa, đó là sự lan truyền thông điệp đến rộng rãi trẻ em toàn quốc về việc hãy chủ động thực hiện quyền tham gia của chính các em; qua đó xây dựng những ước mơ, hoài bão, khát khao lớn hơn cho từng em để được là những người đại biểu dân cử, những người tham gia vào quá trình xây dựng đất nước sau này.
Trân trọng cảm ơn thầy!