A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tránh lạm dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ bổ não trong mùa thi

Khi mùa thi đang đến rất gần, không ít phụ huynh đã tìm mua các loại thực phẩm chức năng thuốc bổ não với mong muốn loại thuốc này sẽ giúp con em mình tăng cường trí nhớ, cải thiện thành tích học tập. Tuy nhiên, việc lạm dụng loại thực phẩm chức năng này có thể mang tới nhiều hệ lụy khó lường.

Áp lực học hành có thể khiến con có thể bị hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ; phải ôn thi dồn dập tại các lớp luyện thi khiến lịch sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng tới việc ăn, uống, nghỉ ngơi; phải thức học đến 2 - 3h sáng trong giai đoạn gấp rút... chính là những lý do mà nhiều bậc phụ huynh đưa ra để tìm đến những loại thực phẩm chức năng này.

Để hỗ trợ sức khỏe cho con, nhiều phụ huynh không ngại chi tiền tìm mua các loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường trí nhớ. Dạo quanh một vòng các hiệu thuốc hoặc chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “thuốc tăng trí nhớ” trên Google hay các mạng xã hội Facebook, Tiktok sẽ không khó để tìm ra những sản phẩm này.

Lo lắng khi thấy lịch thi vào 10 của con gái đang tới gần, chị Lan Anh (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tới một số quầy thuốc gần nhà để tìm mua một loại thuốc bổ não được bạn bè giới thiếu. Khi tới hiệu thuốc, chị cho biết mình như lạc vào “ma trận” của nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp “tăng cường trí nhớ, bổ não”. Nguồn gốc sản phẩm hết sức đa dạng, từ hàng trong nước cho đến hàng nhập khẩu, hàng “xách tay” từ Mỹ, Australia, Nhật Bản, Đức...

Tránh lạm dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ bổ não trong mùa thi
Lạm dụng các loại thực phẩm chức năng giúp bổ não, tăng cường trí nhớ có thể gây ra những hiểm họa khó lường

Theo chị Lan Anh, đa phần các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng bổ não hiện nay liên quan tới sản phẩm có chứa omega 3, vitamin nhóm B... Đây là những chất cần cho sự phát triển trí não của trẻ em, tăng hoạt động của các synap thần kinh. Tuy nhiên, trên thực tế, các chất này thường được cung cấp đầy đủ từ trong thức ăn, trong sữa công thức cho trẻ; thực phẩm chức năng chỉ thực sự cần thiết khi trẻ chậm phát triển về trí tuệ, được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê đơn.

Đáng lo ngại hơn, nhiều loại thuốc có khả năng cải thiện trí nhớ chỉ dành cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ (Alzheimer) nhưng hiện cũng được chào bán. Tiếp đến là các loại thực phẩm chức năng tuần hoàn máu não, các thuốc làm tăng lưu lượng máu não và thay đổi chuyển hóa ở não bộ với một số chất như cinnarizin, piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba (cao lá bạch quả đã được tiêu chuẩn hóa), đinh lăng... Đó là các chất tác động trên hệ thần kinh nên không được tự ý sử dụng, bởi có thể gây ra hậu quả khó lường.

Theo Bác sĩ Bùi Vũ Anh (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương), về cơ bản, các thuốc tăng tuần hoàn não không có tác hại nhiều. Thế nhưng, về lâu dài, khi lạm dụng loại thuốc này cũng làm gia tăng, tạo sức ép và gây quá tải cho gan, thận. Do đó, các bậc phụ huynh khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc gì, kể cả thuốc bổ, cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bác sĩ Bùi Vũ Anh cũng khẳng định, không có một loại thuốc nào có thể giúp học sinh thông minh và có trí nhớ tốt hơn. Đối với một số loại thuốc bổ thần kinh nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể bị suy kiệt.

Tránh lạm dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ bổ não trong mùa thi
Ngủ đủ giấc và sử dụng các thực giúp tăng cường sức khỏe và trí nhớ là lời khuyên hàng đầu cho các sĩ tử mùa thi

Đặc biệt, đối với những trường hợp có thể trạng có các tổn thương về gan, thận như viêm cầu thận mãn tính, viêm gan, viêm thận… không nên dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ. Hơn nữa, nếu sử dụng các loại thuốc bổ não không có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ với liều lượng không hợp lý, lạm dụng còn dẫn đến một số tác dụng phụ như: Phát ban vì dị ứng với các thành phần của thuốc, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, đánh trống ngực, buồn nôn, buồn ngủ, nôn mửa…

"Để ôn thi hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi sĩ tử phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi cho phù hợp. Trong đó, học sinh cần ngủ đủ giấc, bảo đảm không được ngủ dưới 6 giờ/ngày để não bộ được tỉnh táo hoạt động. Ngoài ra, nên sử dụng 14 loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe và trí nhớ như: Trứng, socola đen, các loại rau lá xanh, cá béo, cà phê, quả việt quất, nghệ, hạt bí ngô, quả hạch, cam, trà xanh, bơ, ngũ cốc và quả lựu.

Cùng với đó, trong thời gian ôn thi, mỗi học sinh nên duy trì tập thể dục giúp chống lại sự suy giảm tinh thần có liên quan đến lão hóa, đồng thời nâng cao năng lực tinh thần của bản thân", bác sĩ Vũ Anh chia sẻ.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan