Trẻ em bị người thân bạo hành tử vong - nguyên nhân từ coi nhẹ quyền trẻ em
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 10/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai, Hà Nội, đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Thi (37 tuổi, ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi giết người. Bước đầu cơ quan điều tra xác định Thi là người phụ nữ đã bạo hành con trai 6 tuổi khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi thông tin vụ việc được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận Nhân dân. Nhiều người đặt câu hỏi: Chỉ vì cháu bé lười học, tè dầm ra nhà mà người mẹ lại có thể nhẫn tâm bạo hành con trai của mình đến như vậy sao? Hành vi sát hại con đẻ của người phụ nữ này sẽ bị cơ quan chức năng xử lý thế nào?
Sát hại con đẻ với nhiều tình tiết tăng nặng
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Vụ việc người phụ nữ bạo hành bé trai 6 tuổi ở huyện Quốc Oai, Hà Nội là vụ việc vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng, cần phải lên án mạnh.
Hành vi của người phụ nữ không chỉ bạo hành trẻ em, mà còn tước đoạt tính mạng của trẻ em. Bởi vậy người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự và có thể sẽ xử lý thêm tội hành hạ con theo Điều 185 Bộ luật Hình sự.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường |
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến các thế hệ trẻ; Đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm gia nhập công ước về Quyền trẻ em và có nhiều hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em. Hệ thống pháp luật trong nước cũng ngày càng hoàn thiện để bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân, đặc biệt là trẻ em. Cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái nhưng nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng phương pháp sử dụng bạo lực. Mọi hành vi đánh đập, chửi bới, mạt sát, xúc phạm con cái vì bất kỳ lý do gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, người mẹ này đã nhiều lần đánh đập đứa trẻ tàn nhẫn, dùng nhiều vật dụng khác nhau để đánh cháu bé cho đến khi cháu bé tử vong. Vì vậy Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người phụ nữ này, xác định tính chất nghiêm trọng của sự việc để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc là mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, nếu nhiều hành vi vi phạm pháp luật đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh thì sẽ xử lý về nhiều tội danh.
Những hành vi bạo hành cháu bé trước khi đánh tử vong cháu bé nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội hành hạ con theo điều 185 Bộ luật Hình sự thì sẽ xử lý hình sự về tội danh này. Còn riêng hành vi dùng hung khí đập vào đầu cháu bé khiến nạn nhân tử vong chỉ có thể xác định đây là hành vi giết người, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự”, luật sư Cường phân tích.
Cũng theo vị tiến sỹ luật học, nếu đối tượng nhận thức được hành vi dùng chiếc muôi đánh vào đầu cháu bé có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì khi đó đủ căn cứ để xử lý về tội giết người được quy định tại điều 123 bộ luật hình sự.
Để buộc tội đối tượng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đặc điểm của hung khí gây án, tính sát thương của hung khí này, sức lực mà đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và nhận thức về hậu quả có thể xảy ra đây là những yếu tố quan trọng để xác định hành vi khách quan cũng như các yếu tố chủ quan để cấu thành tội giết người.
Nếu bị buộc tội, người phụ nữ trong vụ án này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc... Khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp bị xử lý về nhiều tội danh thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc được quy định trong bộ luật hình sự.
Đây là một vụ án hình sự đau lòng mà đối tượng gây án là là mẹ đẻ của nạn nhân. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người chồng mới của đối tượng này có biết về hành vi này không, có hành vi giúp sức sử dụng hay không để xử lý với vai trò đồng phạm.
Cơ quan Công an đang tạm giữ người mẹ bạo hành bé trai khiến nạn nhân tử vong |
Quyền trẻ em phải được thực hiện trong thực tế
Nói về nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cha mẹ, người thân bạo hành trẻ em dẫn tới hậu quả đau lòng, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ em. Trong đó có nguyên nhân như những người cha, người mẹ đó có cuộc sống không hạnh phúc, nhận thức pháp luật và xã hội hạn chế, thiếu sự quan tâm giúp đỡ của những người thân và đôi khi là cả sự thờ ơ của những người hàng xóm xung quanh.
Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ gây ra thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, các cơ quan chức năng chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế;
Các cơ quan chức năng cần phải áp dụng triệt để các biện pháp hành chính và chế tài hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền trẻ em để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; Đổi mới phương thức giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách lối sống để xây dựng, duy trì đạo đức xã hội, trong đó có lòng nhân ái, tình yêu thương con người; Giáo dục kiến thức pháp luật, đặc biệt là quy định pháp luật về quyền trẻ em cho các bậc phụ huynh, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng và bảo vệ trẻ em.
Chuyên gia pháp lý cho rằng, đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để trẻ em có thể nhận diện được những hành vi xâm phạm quyền trẻ em phải biết cách tự bảo vệ và nhờ người khác bảo vệ khi quyền của mình bị xâm phạm;
Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương và của cả cộng đồng xã hội để kịp thời phát hiện những hành vi bạo hành trẻ em, loại bỏ suy nghĩ lạc hậu là "đèn nhà ai nhà ấy rạng", "đánh con là hành vi dạy dỗ"... Khi phát hiện hành vi bạo hành trẻ em thì bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm can thiệp, hỗ trợ, trình báo sự việc với cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật.
“Chỉ khi nào văn hóa, đạo đức xã hội được nâng cao, pháp luật được phổ biến rộng rãi và được tôn trọng thì khi đó quyền trẻ em mới được đảm bảo tốt nhất. Để quyền trẻ em được đảm bảo, tính mạng, sức khỏe của trẻ em được bảo vệ thì một điều rất quan trọng là phải xây dựng cơ chế, bổ sung nhân lực, tài chính để có một lực lượng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, sẵn sàng có mặt ở bất kỳ lúc nào khi quyền trẻ em bị xâm phạm.
Những hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em là những hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật, thể hiện nhận thức hiểu biết thấp kém của đối tượng vi phạm. Khi nào những hành vi đánh đập hành hạ trẻ em bị cả xã hội lên án và bị xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời thì khi đó mới giảm bớt những vụ việc đau lòng như thế này”, tiến sỹ Đặng Văn Cường nhấn mạnh.