A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ quân hàm xanh nặng lòng với bà con ở vùng biên Sơn La

Suốt 30 năm nay, ngoài nhiệm vụ quân y, các bác sĩ quân hàm xanh tận tụy đến từng nhà dân khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng biên Sơn La.

Bác sĩ quân hàm xanh nặng lòng với bà con ở vùng biên Sơn La

Các bác sĩ quân hàm xanh khám bệnh cho người dân tại Đồn Biên phòng Mường Lạn.

Bác sĩ quân hàm xanh

Ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, người ta truyền tai nhau câu chuyện về bác sĩ Trần Văn Nam (52 tuổi), cán bộ quân y thuộc Đồn Biên phòng Mường Lạn. Người được ví như “thần y” đối với bà con dân tộc thiểu số nơi đây.

Bác sĩ Nam sinh ra và lớn lên ở miền quê lúa Thái Bình. Từ tháng 3.1994, bác sĩ Nam được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lạn với vị trí cán bộ quân y.

Bác sĩ quân y Trần Văn Nam đã có 30 năm gắn bó với bà con vùng biên Mường lạn, thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Bác sĩ quân y Trần Văn Nam đã có 30 năm gắn bó với bà con vùng biên Mường lạn, thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Bác sĩ Nam kể: "Thời gian đầu lên đây, tôi cũng nản lòng lắm, vì đường xá đi lại khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ khiến mình không hiểu bà con nói gì để tìm đường chứ chưa nói đến việc thăm khám. Công việc thử thách đầu tiên là đỡ đẻ. Ngày ấy do đường xá xa xôi, phụ nữ trong bản toàn sinh con tại nhà nên bất đắc dĩ tôi phải làm bà đỡ cho 3 sản phụ. Sau đó, ai đẻ cũng đến nhờ tôi đỡ cho cả".

Thời điểm năm 2000, bệnh sốt rét hoành hành tại Mường Lạn, người dân cứ nghĩ do ma rừng làm, chỉ biết cúng bái. Sau đó, bác sĩ Nam đồng xuống từng bản vận động bà con rắc vôi, phát quang dọn dẹp vệ sinh, hướng dẫn việc ăn chín uống sôi, phát thuốc cho bà con. Từ đó bệnh lui. Đến giờ nhiều người vẫn nhớ và thường gọi đùa bác sĩ Nam là "thần y". 

Với 30 năm công tác, gắn bó với Mường Lạn, bác sĩ Nam đã giúp cứu sống hàng chục bệnh nhân, đồng thời giúp bà con nhận thức, hiểu rõ các cách phòng bệnh.

Những bệnh nhân ở xa, không có điều kiện, các bác sĩ quân hàm xanh sẽ đến tận nhà thăm khám trực tiếp.

Những bệnh nhân ở xa, không có điều kiện, các bác sĩ quân hàm xanh sẽ đến tận nhà thăm khám trực tiếp.

Bà Lò Thị Vai (60 tuổi) trú bản Pu Hao, xã Mường Lạn bộc bạch, Mường Lạn chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống.

Nhiều nhà có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại ở xa trung tâm huyện nên Đồn Biên phòng Mường Lạn cũng như trung tâm y tế xã là điểm tựa đầu tiên của bà con mỗi khi “trái gió trở trời”.

Bà Vai cho hay, các cán bộ quân y của Đồn luôn túc trực cả ngày đêm, bà con có thể đến khám bất cứ lúc nào nên ai cũng tin tưởng, quý mến các bác sĩ biên phòng. Nhất là những bệnh nhân ở xa, sẽ được bác sĩ đến tận nhà thăm khám trực tiếp.

Khám bệnh miễn phí

Ông Lò Văn Nô (71 tuổi) trú bản Mường Lạn, xã Mường lạn tâm sự, tôi bị bệnh nấm sâu ở chân đã gần 10 năm nay, đi lại phải chống nạng, đang phải điều trị tại nhà. Hằng tuần, bác sĩ Nam đều xuống nhà đo huyết áp, theo dõi bệnh tình cho tôi.

“Thực sự cảm ơn các bác sĩ Biên phòng đã khám bệnh miễn phí cho người dân, lại còn phát thuốc nữa, nếu không bà con nghèo như chúng tôi thực sự không đủ tiền trang trải, chẳng biết bấu víu vào đâu, biết ơn bộ đội nhiều lắm” -  ông Nô xúc động nói.

Ngoài được khám chữa bệnh, nhiều người dân còn được phát thuốc miễn phí.

Ngoài được khám chữa bệnh, nhiều người dân còn được phát thuốc miễn phí.

Theo bác sĩ Nam, người dân ở Mường Lạn hay mắc các bệnh về như xương khớp, huyết áp, tim mạch và các loại bệnh tích lũy do lao động nặng thường xuyên. Đặc biệt, do có thói quen dùng nước suối nên hay mắc bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da.

Khi người dân đến đồn biên phòng thăm khám, nếu trong khả năng thì được cấp thuốc miễn phí, không thì sẽ được hướng dẫn lên bệnh viện tuyến trên.

Trung tá Vì Văn Chương - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, để đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, đơn vị luôn đảm bảo lượng vật chất dự trữ, sẵn sàng cơ động, kết hợp với khai thác tiềm lực vật chất tại chỗ.

“Bởi bộ đội biên phòng luôn xác định biên giới là quê hương, coi đồng bào như anh em ruột thịt. Góp phần chung sức bảo vệ, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên vành đai biên giới vững chắc, gắn bó tình quân dân” - Trung tá Chương nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan