A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bột canh, mì chính giả len lỏi, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa

Bột canh, mì chính giả... âm thầm xuất hiện trên thị trường, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bột canh, mì chính giả len lỏi, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa

Qua khám xét, cơ quan công an phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính giả, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ cung cấp

Hơn 600 tấn gia vị giả âm thầm xâm nhập bếp ăn công nghiệp

Cảnh sát Phú Thọ vừa triệt phá xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, địa chỉ khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả cùng hàng trăm tấn phụ gia và vỏ bao bì.

Giám đốc Nguyễn Văn Hưng khai mua nguyên liệu từ nhiều nơi, rồi đóng gói dưới các nhãn hiệu giả như Boat Brand, Fami Gold, Famimoto... Các sản phẩm đều do công ty tự công bố và tiêu thụ chủ yếu cho bếp ăn công nghiệp.

Kết quả giám định cho thấy, thành phần các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như công bố. Công ty đã bán ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh và 363 tấn hạt nêm giả.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc vụ hơn 600 tấn gia vị giả của Công ty Famimoto Việt Nam. Cục yêu cầu Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm địa phương thực hiện các biện pháp khẩn trương: Rà soát hồ sơ tự công bố sản phẩm mì chính của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam; phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm mì chính giả còn lưu hành trên thị trường; đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân và các đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể tuyệt đối không sử dụng sản phẩm mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tác hại của mì chính giả

BSCK2. Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bột ngọt, hay còn gọi là mì chính, là gia vị phổ biến trong chế biến thực phẩm, giúp tạo vị umami (vị ngọt thịt). Thành phần chính của bột ngọt là glutamate.

Nhiều tổ chức y tế thế giới như WHO, FAO, FDA đều đánh giá bột ngọt là an toàn, tương tự như muối, tiêu, giấm... Ủy ban Khoa học về Thực phẩm châu Âu cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy bột ngọt gây hại.

Tại Việt Nam, bột ngọt được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là chất dinh dưỡng nên cần dùng hợp lý, kết hợp đủ các thành phần dinh dưỡng khác khi nấu ăn.

"Bột ngọt là gia vị quen thuộc trong nhiều gia đình, nhưng hiện nay, bột ngọt giả xuất hiện ngày càng nhiều, gây lo ngại cho người tiêu dùng. Loại bột ngọt này thường được làm từ các chất không rõ nguồn gốc, có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, dị ứng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận.

Để nhận biết bột ngọt giả, người tiêu dùng nên chú ý tới bao bì, màu sắc và độ tinh khiết của sản phẩm. Bột ngọt thật thường có hạt đều, trong suốt, không có tạp chất lạ. Ngoài ra, nên mua tại các cửa hàng uy tín, tránh ham rẻ mà mua phải hàng kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe cả gia đình", BSCK2. Đinh Thị Kim Liên khuyến cáo.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật