A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn trong năm nay

Một bệnh nhân là người lớn mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường đã tử vong sau hai tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn trong năm nay

Bệnh nhân sởi biến chứng phải thở máy, lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận từ 10 đến 20 ca sởi ở người lớn. Đa số người bệnh nhập viện với các triệu chứng sốt, ho, phát ban, chảy nước mũi, đau mắt... nhưng nhiều trường hợp đã ở giai đoạn nặng do phát hiện muộn.

Không ít bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não. Đáng chú ý, phần lớn người bệnh chưa từng tiêm hoặc không tiêm nhắc lại vaccine sởi. Nhóm tuổi từ 30 đến 50 thường chủ quan, không nghĩ bản thân có thể mắc sởi, dẫn đến chậm trễ trong điều trị.

“Sởi là bệnh có khả năng lây lan rất cao qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát. Những ca biến chứng nặng, đặc biệt ở người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, có thể phải lọc máu, thở máy, thậm chí suy đa tạng” - PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Đây là ca tử vong đầu tiên do sởi ở người trưởng thành trong năm 2025, cảnh báo nguy cơ và biến chứng nghiêm trọng của bệnh.

Sởi không chỉ là bệnh của trẻ em. Người lớn, đặc biệt người có bệnh nền, vẫn có nguy cơ cao và cần được tiêm nhắc lại nếu đã lâu không tiêm hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.

Sởi ở người lớn hiếm gặp, thường xảy ra ở những người chưa tiêm vaccine, có suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nền. Người lớn dễ chủ quan vì nghĩ chỉ trẻ em bị sởi, dẫn đến bệnh dễ lây lan và tiến triển nặng. Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm não, liệt, động kinh, viêm phổi, mù lòa, hoặc sinh non, sẩy thai ở phụ nữ mang thai.

Khi phát hiện triệu chứng, người dân nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Bệnh sởi ở người lớn có thể xảy ra ở những người chưa có kháng thể, thường có thời gian ủ bệnh từ 7 - 21 ngày.

Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, phát ban, ho kéo dài, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

“Hiện nay, sởi đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn, đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm. Vaccine sởi là một loại vaccine an toàn và hiệu quả, đã được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho tất cả trẻ em và tiêm nhắc lại định kỳ. Việc tiêm vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Sởi không phải là bệnh đơn giản như nhiều người lầm tưởng, vì vậy hãy chủ động phòng ngừa trước khi quá muộn,” PGS.TS Cường khuyến cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật