Cảnh báo bệnh sởi gia tăng ở trẻ em dịp cận Tết
Cần Thơ - Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi.
Cao điểm giữa mùa đông và mùa xuân
Tình hình bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh, thành, đặc biệt vào thời điểm cận Tết Nguyên đán 2025. Nhiều bệnh nhi, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ, đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng của bệnh sởi.
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Nương - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) - cho biết, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, tình hình đáng báo động khi số trẻ đến khám và điều trị bệnh sởi trong những tháng gần đây tăng đột biến, gấp 35 lần so với cùng kỳ năm trước.
Khoa Nhi cũng vừa tiếp nhận trường hợp bé 3 tuổi (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) nhập viện vì tình trạng sốt cao 5 ngày liên tục, phát ban đỏ, ho nhiều, khò khè. Bé được chẩn đoán mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị tích cực kết hợp nhiều biện pháp cho bé.
Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều rơi vào nhóm trẻ từ 7 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, không ít trẻ từ 4 - 7 tuổi cũng mắc bệnh do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có những trẻ chỉ mới 2 - 3 tháng tuổi bị lây nhiễm từ mẹ mắc sởi trong thời gian mang thai.
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (Cần Thơ), dịch sởi bùng phát vào đầu tháng 8 với số ca tăng đột ngột, nhiều bệnh nặng phải tiến hành thở máy. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca điều trị nội trú đã hơn 2.300 ca, ngoại trú là hơn 1.700 ca.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - thông tin, việc các trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận tại bệnh viện do chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.
“Cao điểm của bệnh sởi sẽ rơi vào giai đoạn giữa mùa Đông và mùa Xuân. Những tháng gần đây, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện liên tục túc trực điều trị cho bệnh nhi, phòng sự cố các trường hợp nguy hiểm”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Chủ động đưa trẻ đi tiêm
Theo bác sĩ Nương, bệnh sởi có khả năng lây lan cực nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm. Bất kỳ đối tượng nào không có miễn dịch đều có thể bị nhiễm bệnh. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não tuỷ, viêm tim, viêm loét giác mạc, tiêu chảy,…
"Phụ huynh nên lưu ý các dấu hiệu trẻ cần đến bệnh viện khám ngay như: sốt liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt; thở mệt, thở nhanh, thở rút lõm, thở co kéo; có dấu hiệu thần kinh: co giật, rối loạn tri giác, bứt rứt, li bì, có dấu hiệu mất nước, nôn ói nhiều", bác sĩ Nương khuyến cáo.
Để phòng bệnh sởi hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi từ 9 tháng - 14 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi để tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký ban hành công văn gửi Giám đốc Sở Y tế về việc nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu đảm bảo đầy đủ nguồn vaccine và thực hiện công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi cho các nhóm đối tượng. Theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh sởi trên địa bàn thành phố; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; không để lây lan, bùng phát.