Chủ quan với khối u nhỏ, đi khám phát hiện ung thư vú giai đoạn 3
TPHCM - Chỉ trong vòng 15 năm, gia đình chị T.H.N. (41 tuổi, TPHCM) có đến 4 người phụ nữ mắc ung thư vú.
Bệnh nhân được hóa trị 6 chu kỳ để làm nhỏ khối u trước khi phẫu thuật ung thư vú. Ảnh: Phong Lan
Câu chuyện của chị N. là hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc tầm soát sớm, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ di truyền.
Năm 2024, chị N. phát hiện có khối u ở ngực phải nhưng chủ quan nghĩ là lành tính nên không đi khám. Một năm sau, khối u to nhanh, gây đau, chị mới đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM khám và được bác sĩ chỉ định siêu âm. Kết quả siêu âm, nhũ ảnh ghi nhận khối u 5cm có mạch máu nuôi. Sinh thiết xác định chị N. mắc ung thư vú giai đoạn 3, thể nội tiết.
Chị N. chia sẻ, trong gia đình chị, dì ruột được chẩn đoán ung thư vú năm 2010; em họ mắc bệnh năm 2018; chị gái ruột phát hiện ung thư năm 2019 ở tuổi 45. Mặc dù xét nghiệm không phát hiện đột biến gen BRCA1/2, nhưng việc có nhiều người thân cấp 1 và cấp 2 mắc bệnh khiến chị thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo ThS.BS CKI Huỳnh Bá Tấn - Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, người bệnh có mẹ, chị gái hoặc con gái mắc ung thư vú khi còn trẻ (dưới 50 tuổi) có nguy cơ bị ung thư vú gấp đôi người bình thường. Với trường hợp của chị N., ngoài tiền sử gia đình, bệnh còn được phát hiện ở giai đoạn trễ nên nguy cơ tái phát cao hơn.
Chị N. được hóa trị 6 chu kỳ để làm nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ thực hiện cuộc mổ 5 trong 1 gồm: cắt bỏ tuyến vú ung thư, đoạn nhũ phòng ngừa đối bên, nạo hạch nách, cắt buồng trứng nội soi và tái tạo vòng một hai bên bằng túi ngực. Cuộc mổ kéo dài 6 giờ, huy động phối hợp chặt chẽ giữa ê-kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức.
Bác sĩ Tấn lý giải, đoạn nhũ phòng ngừa giúp giảm nguy cơ tái phát và tránh các cuộc mổ sau này.
Một nghiên cứu trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cho thấy, đoạn nhũ phòng ngừa đối bên có thể giảm đến 96% nguy cơ ung thư vú bên còn lại, giảm 48% tỉ lệ tử vong ở người mang đột biến BRCA1/2, đặc biệt hiệu quả ở phụ nữ trẻ dưới 50 tuổi và ở giai đoạn sớm.
Hiện chưa có phác đồ bắt buộc cho phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa. Việc can thiệp chủ yếu dựa trên sự đồng thuận giữa bệnh nhân, người thân và bác sĩ, sau khi được tư vấn rõ về lợi ích, rủi ro và tiên lượng.
“Không phải ai có yếu tố nguy cơ cũng sẽ mắc bệnh, nhưng những người trong nhóm này cần được tầm soát kỹ hơn. Phụ nữ từ 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú mỗi năm. Với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh, việc khám nên bắt đầu sớm hơn ít nhất 10 năm trước độ tuổi người thân phát hiện ung thư", bác sĩ Tấn nhấn mạnh.