A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các đền, chùa dịp đầu năm

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt, năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các lễ hội truyền thống đã tạm dừng, một số nơi chỉ duy trì phần lễ, không tổ chức phần hội để tránh tập trung đông người. Ban quản lý các khu di tích, đền chùa trên địa bàn thành phố đã khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.

Vừa đảm bảo nhu cầu tâm linh, vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh

Ngay từ ngày 6/2/2022, (tức ngày 6 tháng Giêng Âm lịch), một loạt di tích trên địa bàn Hà Nội bước vào mùa lễ hội 2022 với tâm thế đặc biệt. Các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm. Trong khi đó, các hoạt động phần hội được tạm dừng, hạn chế tối đa tập trung đông người, nhằm thích ứng để an toàn trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Tại huyện Mỹ Đức, theo thường lệ, ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm được chọn là ngày khai hội chùa Hương. Tuy nhiên năm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong sáng 6/2, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cùng đại diện Nhân dân địa phương thành kính dâng hương tại chùa Thiên Trù, thuộc Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương).

Đây cũng là năm thứ 2, chùa Hương không mở hội theo truyền thống, chỉ thực hiện các hoạt động cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”, bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà vẫn hạn chế thấp nhất nguy cơ về dịch.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các đền, chùa dịp đầu năm
Đa số người dân đều chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch khi di lễ chùa

Theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển: Thời điểm đầu năm mới, chùa Hương luôn tấp nập khách hành hương vãng cảnh, trong đó, riêng ngày khai hội hằng năm, di tích đón khoảng 80.000 du khách.

“Năm nay, huyện đã thông báo rộng rãi để Nhân dân và du khách nắm bắt sớm thông tin di tích tiếp tục đóng cửa, không tổ chức lễ hội, từ đó chủ động phối hợp với địa phương phòng, chống dịch. Ban quản lý cũng phối hợp với các đơn vị liên quan lập chốt chặn, tổ kiểm tra để giám sát, nhắc nhở khi người dân đổ về điểm di tích”, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết.

Tại huyện Sóc Sơn, nơi có Đền Thượng - Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), các nghi thức dâng hương, tế lễ được thực hiện từ sáng sớm 6/2, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện Nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Công Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh (xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn) cho biết: “Hội đền Sóc được biết đến là hoạt động tâm linh tín ngưỡng lớn trong năm, hội tụ nhiều nghi thức độc đáo, đậm màu sắc văn hóa truyền thống, như: Lễ mộc dục, lễ rước phẩm vật, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… cùng sự tham gia của nhiều làng lân cận cũng như đông đảo khách thập phương.

Để ngăn chặn những nguy cơ từ dịch COVID-19, hội đền năm nay tiếp tục tạm dừng, chỉ duy trì phần lễ tri ân các bậc tiên thánh. Dù có buồn vì thêm một hội xuân lỗi hẹn song chúng tôi xác định cần tuân thủ nghiêm các quy định để bảo vệ cộng đồng”.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các đền, chùa dịp đầu năm
Người dân đi lễ đầu năm tại đền Quán Thánh

Bà Lê Thị Phượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Đầu xuân năm mới, các thành viên trong gia đình tôi thường cùng nhau đi lễ chùa để cầu bình an, sức khỏe, cũng là dịp để được ngắm vẻ đẹp thanh tịnh của đền, chùa trong những ngày đầu năm mới. Năm nay do dịch bệnh nên gia đình tôi không cùng nhau vãn cảnh chùa đầu năm nhưng tôi cảm thấy thực sự may mắn khi mọi người trong gia đình vẫn bình an".

Còn chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Đầu năm nào cũng vậy, chúng tôi vẫn đến dâng hương, lễ chùa để cầu may mắn, bình an cho gia đình và tất cả mọi người.

Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 nên công tác đi lễ này cũng rất hạn chế, mong sao dịch nhanh chóng qua đi để cuộc sống người dân được tốt hơn. Tôi thấy khi đến lễ chùa công tác phòng, chống dịch rất tốt.

Mọi người đều có ý thức phòng, chống dịch an toàn. Nhân dịp năm mới, tôi cầu mong cho tất cả mọi người khỏe mạnh, đất nước càng ngày càng phát triển hơn”.

Thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh

Thành phố Hà Nội là nơi tập trung hàng trăm lễ hội truyền thống, trong đó phần lớn là lễ hội xuân, nên ngay từ trước Tết Nguyên đán, thành phố đã chủ động xây dựng phương án quản lý hoạt động lễ hội, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Các địa phương có lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, thời gian kéo dài, thu hút đông người… cũng đồng loạt xây dựng kế hoạch siết chặt phòng dịch mùa lễ hội, phân công cụ thể các đơn vị triển khai nhiệm vụ ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính hội, đúng với chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố.

Thông tin về công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên địa bàn huyện Đông Anh, ông Đặng Giang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh cho biết: “Trên địa bàn huyện Đông Anh có 96 lễ hội, trong đó có hai lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đền Cổ Loa và Lễ hội đền Sái.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các đền, chùa dịp đầu năm
Người dân bái vọng tại đền Bạch Mã

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, huyện đã thông báo dừng toàn bộ hoạt động lễ hội, yêu cầu các địa phương tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân để tạo sự đồng thuận, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc phòng, chống dịch tại nơi có lễ hội. Trong Tết và ngày chính lễ, các điểm di tích, thờ tự thực hiện việc thờ cúng trang trọng và đúng quy định về phòng dịch”.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã “kích hoạt” hệ thống kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố với việc công bố rộng rãi đường dây nóng phản ánh thông tin liên quan đến hoạt động trên. Sở cũng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội từ ngày 5/2.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, các đoàn kiểm tra tập trung giám sát việc tạm dừng lễ hội theo quy định; Công tác tuyên truyền, vận động người dân không tập trung đông người, không lập bàn thờ tạm gần các di tích đình, đền, chùa… cài tiền lẻ tại cổng để bái vọng, vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ về dịch.

Lễ chùa đầu năm là phong tục văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam để cầu một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần chủ động thực hiện tốt công tác quản lý; Đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân để mọi người, mọi gia đình đi lễ đều có ý thức cao, chủ động và nghiêm túc thực hiện các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19.


Tác giả: Thanh Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan