Đằng sau những tuyên bố Covid-19 sắp đến hồi kết thúc
Trao đổi với Zing, chuyên gia nhận định đại dịch Covid-19 chưa bước vào giai đoạn ổn định khi virus vẫn đang đột biến, từ đó dẫn tới nguy cơ xuất hiện các làn sóng lây nhiễm mới.
"Câu hỏi khi nào đại dịch kết thúc phụ thuộc vào các tiêu chí xác định thời điểm kết thúc. Nhìn chung, thế giới có thể tuyên bố đại dịch kết thúc khi Covid-19 trở thành căn bệnh đặc hữu hoạt động theo quy luật dễ đoán định", giáo sư Michael Baker - nhà dịch tễ học tại Đại học Otago kiêm cố vấn kỹ thuật của Bộ Y tế New Zealand - nói với Zing.
Ông Baker lý giải tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc không đồng nghĩa với việc thế giới cần tỷ lệ mắc bệnh ở mức ổn định và cố định. Vị giáo sư khẳng định số ca mắc vẫn có thể tăng hoặc giảm, nhưng những thay đổi này tương đối nhỏ và có thể quản lý được.
Tuy nhiên, "chúng ta hiện vẫn chưa bước vào giai đoạn này. Vấn đề chính là virus vẫn đang đột biến, tạo ra các biến chủng mới có thể né tránh hệ miễn dịch và gây ra các làn sóng lây nhiễm mới", ông cho hay.
Đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 2 năm, khiến hơn 6 triệu người trên thế giới tử vong. Đến lúc này, con số đó vẫn chưa dừng lại. Tính riêng trong năm 2022, hơn một triệu trường hợp đã qua đời do mắc Covid-19.
Điều tích cực là với chiến dịch tiêm chủng thành công, số người tử vong vì Covid-19 đã giảm chỉ còn bằng một phần nhỏ so với thời điểm dịch năm 2020-2021. Ngoài ra, phần lớn quốc gia cũng đã mở cửa trở lại và bắt đầu cuộc sống bình thường như trước khi có dịch.
Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về việc khi nào thế giới có thể tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là "tình trạng khẩn cấp y tế công cộng"
Vai trò của WHO
Trong cuộc họp báo hôm 14/9, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hồi kết của đại dịch Covid-19 đã "ở trước mắt". Ông chỉ ra số ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trong tuần đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, Reuters đưa tin.
"Chúng ta chưa bao giờ ở giai đoạn tốt hơn để sớm kết thúc đại dịch. Dù dịch Covid-19 chưa thực sự dừng lại, chúng ta đã có thể nhìn thấy tương lai đó", tổng giám đốc WHO nhận định.
Giáo sư Michael Baker là nhà dịch tễ học tại Đại học Otago. Ông là thành viên Nhóm Cố vấn Kỹ thuật Covid-19 của Bộ Y tế New Zealand. Ảnh: Nzdoctor.com.nz.
Nhà lãnh đạo WHO ví hệ thống y tế và cộng đồng trên toàn cầu như vận động viên marathon. "Một vận động viên chuyên nghiệp sẽ không dừng lại khi vạch đích ở trước mắt. Thậm chí chúng ta phải chạy nhanh hơn với tất cả sức lực còn sót lại", ông Tedros nói.
Từ đó, vị lãnh đạo nhận định ở giai đoạn này, toàn thế giới cần nỗ lực hơn để đảm bảo thế giới có thể "về đích" và chiến thắng đại dịch Covid-19 sau khoảng thời gian dài vừa qua.
Trước câu hỏi của Zing về việc đâu là thời điểm hoàn hảo để tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc xét trên phạm vi toàn cầu và quốc gia, ông Baker cho rằng WHO sẽ là bên đóng vai trò xác định.
Vị giáo sư chỉ ra về mặt quy tắc, WHO sẽ không tuyên bố thời điểm bắt đầu hay kết thúc một đại dịch. Thay vào đó, cơ quan này sử dụng thuật ngữ "Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC)".
WHO tuyên bố Covid-19 là PHEIC vào ngày 30/1/2020 theo lời khuyên từ Ủy ban Khẩn cấp. Ủy ban sẽ được triệu tập một lần nữa nếu cơ quan này quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm liên quan tới Covid-19.
Một gian xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 13/9. Ảnh: Reuters.
Ông Baker đề cập tới quy trình đưa ra quyết định. "WHO sẽ dựa vào bộ tiêu chí có trong Quy định Y tế Quốc tế để hỗ trợ đưa ra quyết định này. Tuy nhiên sau cùng, WHO vẫn cần tham vấn đánh giá của các chuyên gia", vị giáo sư cho hay.
Trong tháng 10 tới, các chuyên WHO sẽ nhóm họp để quyết định đại dịch Covid-19 có còn là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng" nữa hay không.
Không thể chủ quan
Mặc dù WHO đưa ra dự đoán tích cực về tương lai cái kết của Covid-19, trên thực tế, đại dịch vẫn có những biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những biến chủng phụ của Omicron đang khiến tốc độ lây nhiễm virus diễn ra nhanh hơn.
Chia sẻ với Zing về tốc độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 hiện nay, giáo sư Michael Baker cho rằng: "Chúng ta đang thấy sự thay đổi lớn về tỷ lệ mắc Covid-19 do các biến chủng mới gây ra. Covid-19 không phải là bệnh nhiễm trùng theo mùa. Nó rất dễ lây nhiễm mà không phụ thuộc vào điều kiện mùa thu hay mùa đông".
Ông cũng dự đoán trong tương lai, số ca nhiễm Covid-19 có thể tăng hoặc giảm theo chu kỳ trong năm. Tuy nhiên, để điều này xảy ra sẽ mất một thời gian.
Tại các nước, số ca mắc mới Covid-19 cũng thay đổi theo chiều hướng khác nhau.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, mỗi ngày vẫn có khoảng hơn 10.000 người dân tại nước này nhập viện và hơn 300 người tử vong vì Covid-19.
Và dù rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/9 bất ngờ tuyên bố "đại dịch đã qua đi", quan chức y tế trong chính quyền ông vẫn đưa ra những cảnh báo thận trọng.
"Chúng ta vẫn phải ý thức về mức độ thay đổi bất thường của loại virus này và khả năng nó có thể tiếp tục phát triển thành các biến chủng mới, bất chấp tiêu chuẩn y tế thông thường", Politico dẫn lời ông Anthony Fauci - cố vấn của Tổng thống Joe Biden về Covid-19 - cho biết.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết nước này ghi nhận thêm 990 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 18/9 và không có trường hợp tử vong nào. Con số này nâng tổng số ca mắc ở đại lục lên hơn 248.000 trường hợp nhiễm virus có triệu chứng, theo Reuters.
Sau hơn hai tuần phong tỏa, chính quyền thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên hôm 18/9 cho biết: "Với những nỗ lực chung của toàn thành phố, dịch bệnh đã được kiểm soát một cách hiệu quả".
Theo đó, cơ quan chính quyền và các khu vực, phương tiện giao thông công cộng đã được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ khi đến các khu vực trên.
Một người Mỹ nhận mũi vaccine tăng cường nhắm vào biến chủng phụ Omicron BA.4 và BA.5 hôm 8/9. Ảnh: Reuters.
Tại châu Âu, tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường. Theo Reuters, cơ quan y tế quốc gia Pháp hôm 16/9 đã cảnh báo về sự bùng phát các ca nhiễm mới và kêu gọi người dân tiếp tục tiêm phòng. Hôm 15/9, số ca nhiễm ở nước này là hơn 24.000 ca, mức cao nhất trong khoảng năm tuần tính đến thời điểm đó.
DW đưa tin giới chức Đức hồi cuối tháng 8 yêu cầu người dân đeo khẩu trang và thực hiện một số biện pháp phòng bệnh khác khi đến các cơ sở y tế và di chuyển trên phương tiện công cộng. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Y tế Đức quan ngại số ca mắc Covid-19 có thể tăng trong đợt cuối năm.
Tuy nhiên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách thôi là chưa đủ. Theo giáo sư Baker, điều quan trọng là phải tiếp tục nghiên cứu và phát triển vaccine.
Ông cho rằng việc tiêm ngừa Covid-19 gần giống với việc tiêm chủng cúm hàng năm, khi các vaccine ngừa cúm cũng được thường xuyên cải tiến để có thể có hiệu quả với những chủng cúm mới xuất hiện.
"Cách tiếp cận với Covid-19 cũng tương tự. Ngoài ra, nhiều nơi đã xác định rằng các loại vaccine hoàn toàn mới, chẳng hạn như vaccine dạng hít, có thể hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây truyền", giáo sư nói thêm.
Tăng cường tiêm chủng là mục tiêu hàng đầu được nhiều nước hướng tới. Nhiều quốc gia gấp rút phê duyệt các loại vaccine thế hệ mới nhằm chuẩn bị cho nguy cơ đối mặt với đợt lây nhiễm có thể xảy ra.
Giới chức Đức cho biết Liên minh Châu Âu (EU) sẽ trả kết quả về việc phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 do công ty Pfizer và BioNTech đệ trình hồi cuối tháng 8.
Theo đó, loại vaccine mới có khả năng chống lại BA.4 và BA.5 của Omicron - những biến chủng phụ đang lây lan nhanh và dần trở thành biến chủng Covid-19 chủ đạo trên toàn cầu.